That Luang tiếng Lào có nghĩa là “Tháp Lớn”. Tương truyền, That Luang được xây dựng vào năm 236 Phật lịch. Với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa và bản sắc Lào, That Luang từ lâu đã trở thành biểu tượng của dân tộc Lào, đồng thời thể hiện một phần giáo lý của đạo Phật. Hàng năm, lễ hội That Luang (Bun That Luang) được nhân dân trong nước cũng như Lào kiều ở hải ngoại hào hứng đón chờ. Lễ hội này từ lâu đã được coi là ngày hội của sự đoàn tụ, đoàn kết dân tộc, là sự kiện hàng năm và có ý nghĩa quan trọng cả về văn hóa, lịch sử và tâm linh.
Đã nhiều lần tham dự lễ That Luang nhưng tôi vẫn háo hức khi được chứng kiến lễ hội lớn nhất của người Lào này. Từ sáng tinh mơ, khi mặt trời chưa lên, hàng vạn người dân đủ mọi lứa tuổi khắp mọi miền quê nước Lào, dân vùng đông bắc Thái Lan, Lào kiều và cả khách phương Tây như một dòng thác hành hương về chùa That Luang.
Năm nay Lễ hội That Luang khai mạc ngày 15/11, được tổ chức trong bầu không khí cả nước Lào, đặc biệt là thành phố Viêng Chăn, chào đón 2 ngày lễ lớn là 450 năm thủ đô Viêng Chăn và 35 năm Quốc khánh nước CHDCND Lào. Do đó, khác với mọi năm, Lễ hội That Luang năm nay càng thêm tưng bừng, nhộn nhịp, kéo dài cả tuần.
Một trong những nét chính của phần lễ That Luang là lễ rước Phạ Sạt Phơng (rước tháp) từ chùa Mẹ Si Muong tới That Luang của các bản trong Viêng Chăn. Phạ Sạt Phơng có gắn hoa sen, có kết các dây tiền cho những linh hồn đã khuất. Họ vừa đi vừa hát các điệu lăm một cách say sưa. Đến That Luang, những người khiêng Phạ Sạt Phơng đi vòng quanh That Luang ba vòng trước khi dâng lễ cho sư thầy với nghi thức tôn trọng thành kính.
Tiếp theo là lễ Tắc bạt (dâng lễ cho các nhà sư), hàng nghìn nhà sư từ khắp cả nước Lào sẽ đổ về That Luang, kê bàn ngồi dọc hai bên đường vào để người dân dâng lễ. Nhìn vào lễ Tắc bạt mới thấy hết tấm lòng của người dân đối với nhà Phật. Mọi thứ dâng cho nhà Phật được làm rất sạch, khi dâng phải cho lễ vật ngang đầu, cúi người, tự tay mình bỏ vào âu.
Sau lễ là những trò chơi, ca hát trong đó có trò chơi "Tị Khi" (Hockey) rất hấp dẫn. Năm nay Lễ hội That Luang có thêm 17 đoàn nghệ thuật văn nghệ dân gian trong cả nước về tham dự nên hội vốn đã sôi động lại càng hấp dẫn hơn. Các làn điệu dân ca lăm Lưởng (hát truyện thơ), lăm Tơi, lăm Sa La Văn được các diễn viên thể hiện rất nhiệt tình, bên cạnh đó là những sân khấu ca nhạc dành cho lớp trẻ cũng thu hút được nhiều người.
Vào những đêm hội này, cả Quảng trường That Luang rộng lớn trở nên lung linh và huyền ảo trong ánh điện nhiều màu sắc. Ngoài thưởng thức hội, năm nay người dân cũng được dịp mua sắm vì hội chợ triển lãm khá đa dạng về sản phẩm các vùng miền và quốc tế, đặc biệt được thưởng thức món đặc sản cơm lam và gà nướng, những món khoái khẩu không thể thiếu của người Lào trong những ngày này.
Lễ hội That Luang cũng như những lễ hội khác của Lào như Bun Bang Phay (pháo thăng thiên) hay Bun Suanghua (đua thuyền)... lâu nay không còn xa lạ đối với khách du lịch thập phương, trong đó có không ít người Việt Nam.
Song trong tất cả các lễ hội ở Lào, một điều khiến nhiều người đã từng sống, làm việc và tham quan ở Lào đều thán phục và suy ngẫm, đó là ý thức tham gia hội của người dân. Nếu như đâu đó ở lễ hội vẫn còn những chen lấn, cãi vã, bẻ hoa, tháo bóng đèn, ăn trộm, móc túi... thì những cảnh tượng này ở lễ hội Lào không có hoặc vô cùng hiếm hoi. Người Lào đi hội, đều không đội mũ, mặc quần đùi, quần short, váy ngắn, áo dây, không ai nói chuyện to, đùa cợt... Mặc dầu người tham gia hội rất đông nhưng rất ít công an, cảnh sát. Lực lượng thanh niên, sinh viên nhiệt tình tham gia công tác bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự trong những ngày hội. Đó cũng là những ấn tượng khó quên đối với du khách mỗi khi đến với các lễ hội ở Lào.
Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào)