Phát hiện mới này có ý nghĩa đặc biệt đối với Australia, nơi có rạn san hô Great Barrier - hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới và là "thỏi nam châm hút tiền" vô cùng quan trọng đối với ngành du lịch của quốc gia châu Đại Dương này.
Theo bài viết trên đăng trên tạp chí khoa học Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, căn cứ các dữ liệu phân tích từ 183 rạn san hô trên toàn thế giới, nhóm nghiên cứu đã xem xét tác động của hiện tượng đại dương ấm lên và axit hóa đối với các rạn san hô.
Nhà sinh vật học, Tiến sĩ Christopher Cornwall tại Đại học Wellington ở New Zealand, cho biết ông cùng các cộng sự đang quan sát sự thay đổi trong các tập hợp san hô toàn cầu và độ che phủ san hô bị suy giảm nghiêm trọng do các đợt tẩy trắng hàng loạt. Thoe ông nếu kịch bản tiêu cực xảy ra (trong đó lượng phát thải khí CO2 tiếp tục tăng), khoảng 94% các rạn san hô trên toàn cầu sẽ chết dần vào năm 2050.
Trong bài viết liên quan trên báo Conversation, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng các đợt nắng nóng trên biển, do đại dương đang ấm lên, đã tác động nghiêm trọng đến các hệ sinh thái rạn san hô khi gây ra hiện tượng tẩy trắng hàng loạt. Hiện tượng này diễn ra ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, đồng thời gây ra khiến các rạn san hô chết hàng loạt trên các khu vực rộng lớn.
Nhóm nghiên cứu tin rằng việc nhanh chóng giảm lượng khí thải CO2 là điều cần thiết để bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô. Tiến sĩ Cornwall cho rằng hy vọng duy nhất để cứu vãn các rạn san hô này là việc chuyển sang sử dụng các nhiên liệu an toàn, thay thế cho nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt.
Rạn san hô Great Barrier đang một lần nữa rơi vào tình trạng bị tẩy trắng hàng loạt kể từ năm 2016. Các nhà khoa học ước tính rạn san hô này đóng góp khoảng 6,4 tỷ AUD (khoảng 5 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia.