Ông Taurino Querevalu sống tại Pêru, một trong những nước có trữ lượng cá trống lớn nhất thế giới. Thế nhưng cảnh tượng mà mọi người thường thấy là sau những lần ra khơi đánh cá, ông Querevalu lại tay trắng trở về.
Ngư dân Pêru đã từng vào bờ với những con tàu đầy ắp cá trống. |
Trước đây, hiếm khi chiếc tàu đánh cá của vị thuyền trưởng 48 tuổi này vào cảng với một khoang cá rỗng tuếch như vậy. Ông Querevalu ngậm ngùi nhớ lại: “Ngày ấy có đủ cá dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi, cứ ra biển là thấy bạt ngàn cá”. Nhưng đó là câu chuyện của gần 10 năm trước.
Cá trống Pêru phát triển mạnh trong dòng biển lạnh mang theo nhiều sinh vật phù du chảy dọc theo bờ biển Pêru và Chilê. Loài cá này hiếm khi được người ta ăn tươi mà thường được phơi khô rồi nghiền ra thành bột để xuất khẩu làm thức ăn giàu chất đạm dành cho gia súc hoặc thủy sản. Bột cá trống chiếm khoảng 1/3 nền công nghiệp chế biến bột cá trên toàn cầu, là nguồn thức ăn “vỗ béo” lý tưởng cho đàn cá hồi ở Na Uy cho tới những chú lợn được nuôi ở Trung Quốc.
Trong thập kỷ qua, số lượng cá trống ở Pêru đã giảm gần một nửa bất chấp khả năng sinh sản nhanh chóng của chúng. Theo Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc, cá trống là loài cá bị “bóc lột” nặng nề nhất trong lịch sử thế giới. Số liệu của Viện hải dương Pêru cho thấy, trữ lượng cá trống đã sụt giảm đến 41% kể từ mùa hè năm 2011 và thấp hơn mức bình quân trong vòng 12 năm qua khoảng 28%.
Thực trạng này không chỉ khiến Pêru đánh mất vị trí là nước xuất khẩu bột cá số một thế giới, mà còn làm dấy lên hồi chuông báo động về vấn đề an ninh lương thực tại quốc gia trước đây sở hữu nguồn thủy sản dồi dào và giá rẻ này. Giá thủy sản kể từ năm 2009 đã tăng gấp bốn lần so với mức tăng của các loại thực phẩm khác.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm trữ lượng cá liên tục trong nhiều năm qua còn tác động tiêu cực lên chuỗi thức ăn trong tự nhiên. Các loài sinh vật biển ăn cá trống cũng theo đó mà ít dần đi. Hệ sinh thái biển bị biến đổi nghiêm trọng.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đánh bắt cá tràn lan của ngư dân, hành động cố tình “lách luật” hạn ngạch đánh bắt cá cũng như thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Ngoài việc đánh bắt quá mức, nhiệt độ nước biển tăng cao do hiện tượng thời tiết El Nino cũng tác động xấu đến môi trường sống của cá.
Nhằm bảo tồn trữ lượng cá trống, năm 2012, chính quyền Pêru đã cắt giảm % hạn ngạch đánh bắt cá trống trong mùa hè, chỉ còn 810.000 tấn, mức cho phép thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Thứ trưởng Bộ Thủy sản Pêru, ông Paul Phumpiu, cho biết số lượng thanh tra viên sẽ tăng từ 60 lên 260 người để giám sát 3.000 km đường biển nhằm phát hiện kịp thời những hành vi đánh bắt cá trái phép cũng như tăng mức xử phạt những vụ vi phạm.
Trước đó, năm 2008, Pêru áp dụng hạn ngạch cho các tàu đánh bắt cá, theo đó những tàu thuyền có trọng tải dưới 32 tấn không nằm trong diện bị cấm. Hệ quả là người dân đổ xô theo nghề cá: Nông dân bán trâu bò đi đánh cá, kĩ sư bác sĩ ngoài công việc chính của mình cũng mua thuyền ra biển.
Những chuyến tàu vẫn ra khơi vì nhu cầu về cá và bột cá của thế giới vẫn không ngừng tăng, các doanh nghiệp đánh bắt cá vẫn biết cách “lách luật”. Chỉ có biển cả và đại dương ngoài khơi xa của Pêru dường như không còn hào phóng với những chuyến tàu đánh bắt cá như ngày nào.
Anh Minh (theo AP)