Đây là thông điệp trong báo cáo do các nhà khoa học của Đại học Melbourne ở bang Victoria và Đại học Tasmania thực hiện.
Các nhà khoa học tin rằng, đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét mối đe dọa kép do biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức, đặc biệt là việc săn bắt loài cá có kích cỡ lớn. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) trong tuần này.
Nhà nghiên cứu John Morrongiello nhấn mạnh, nguồn thủy sản tự nhiên đã cung cấp thức ăn cho hàng tỷ người trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương, nơi cá là nguồn cung cấp chính protein từ động vật. Tuy nhiên, ông cho rằng hoạt động đánh bắt cá trong thời gian qua đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với trữ lượng cá. Điều quan trọng là thế giới phải áp dụng các phương pháp quản lý đối với công tác đánh bắt nhằm đảm bảo đại dương duy trì được nguồn cá bền vững.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Asta Audzijonyte cho biết, hầu hết các nghiên cứu trước đây về tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài cá được thực hiện trong khoảng thời gian tương đối ngắn, chỉ từ 2 đến 3 vòng đời của chúng. Trong khi đó, nghiên cứu vừa công bố đã được tiến hành trong thời gian 3 năm (khoảng 7 vòng đời của cá) với điều kiện nhiệt độ nước khác nhau trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy những tác động tiêu cực do môi trường nước ấm lên chỉ trở nên rõ rệt sau 4 thế hệ cá.
Qua đó, bà Audzijonyte nhận định rằng mọi người đang có thể đánh giá thấp những tác động tiềm tàng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với trữ lượng cá, đặc biệt là các loài cá có kích cỡ lớn. Nghiên cứu cho thấy việc bảo vệ sự đa dạng về kích cỡ của các loài cá và các loài cá lớn có thể tăng khả năng chống chịu của chúng với những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.
Bà cho rằng đây là vấn đề cần được ưu tiên, thay vì tìm cách đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu, vốn đã là một bài toán khó khăn và phức tạp.