Preeti Joshi, đang theo học tại Đại học Jawaharlal Nehru (Niu Đêli), đã phẫn nộ tham gia phong trào biểu tình hàng ngày của thanh niên Ấn Độ nhằm đòi quyền công bằng và an ninh cho phụ nữ sau khi nghe tin về vụ hiếp dâm tập thể dẫn tới cái chết thương tâm của một nữ sinh viên.
Biểu tình đòi thực thi công lý và bảo vệ phụ nữ ở Amritsar. |
Bị 5 gã đàn ông và một thiếu niên đánh đập và cưỡng hiếp dã man trên một chuyến xe buýt ở Niu Đêli hôm 16/12/2012, nữ sinh 23 tuổi hiện vẫn được giấu danh tính, đã qua đời vì những chấn thương quá nặng hôm 30/12 vừa qua. Cái chết của cô gái đã làm chấn động lương tri của hàng triệu người trung lưu thị thành Ấn Độ, tầng lớp vốn coi quyền bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng trong công cuộc xóa bỏ đói nghèo và thiết lập công bằng xã hội ở nước này. Lần đầu tiên các chính trị gia Ấn Độ đã bắt đầu mang theo vấn đề quyền phụ nữ để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 5/2014.
Preeti Joshi chỉ là một trong hàng trăm ngàn người tham gia phong trào biểu tình đường phố sau vụ tấn công tình dục làm rúng động dư luận Ấn Độ và thế giới. Trong hơn 2 tuần qua, các đường phố của thủ đô Niu Đêli cũng như khắp các thành phố, thị trấn ở Ấn Độ ngày nào cũng dậy sóng những lời kêu gọi thay đổi. Tiến sĩ Ranjana Kumari, một nhà hoạt động vì nữ quyền thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Ấn Độ (CSR), đã gọi đây là khoảnh khắc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Ấn Độ.
“Lần đầu tiên người dân Ấn Độ đã giận dữ như vậy. Trong nhiều thập kỷ qua, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức vì phụ nữ và nhân quyền đã có nhiều hoạt động nhằm xô đổ bức tường phân biệt đối xử với phụ nữ, và nay một phần bức tường đó đã bị phá đổ và chúng ta phải tận dụng cơ hội này”, bà Ranjana nói.
Nhưng ngay cả khi đứng trước một cơ hội, dù là “xót xa” như vậy, những thay đổi căn bản về vấn đề nữ quyền vẫn là rất khó khăn tại Ấn Độ, quốc gia bị xếp hạng cuối trong khảo sát về điều kiện sống của phụ nữ tại 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với những tình trạng như: tảo hôn phổ biến, giết người vì không đáp ứng đủ của hồi môn, nạn bạo hành phụ nữ trong gia đình, phụ nữ bị bóc lột sức lao động...
Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ quốc tế (có trụ sở ở Oasinhtơn) năm 2011 cho thấy, 25% đàn ông Ấn Độ từng có hành vi bạo lực tình dục, hơn 65% nam giới cho rằng đánh đập phụ nữ là một hình thức... dạy dỗ. “Tại Ấn Độ vẫn còn phổ biến những quy tắc ứng xử từ xa xưa, nên phụ nữ chỉ được xem là đối tượng để thỏa mãn nhu cầu tình dục”, nhà hoạt động xã hội Vibhuti Patel trả lời tờ Times of India. Chính tư tưởng này là nguyên nhân lý giải nạn cưỡng hiếp phụ nữ ở Ấn Độ.
Tình trạng này cũng được tiếp tay bởi một hệ thống luật bảo vệ phụ nữ còn thiếu và yếu. Tại Ấn Độ, trong năm 2011 có báo cáo về hơn 24.000 vụ cưỡng hiếp trên cả nước nhưng tỉ lệ vụ bị kết án chỉ khoảng 25%.
Ngay những phản ứng ban đầu của chính phủ về vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích. Một tuần sau vụ việc, Thủ tướng Manmohan Sing mới ra tuyên bố đầu tiên, kêu gọi người dân kiềm chế và cam kết về một môi trường an toàn hơn cho nữ giới.
Tại Ấn Độ, mặc dù các luật về giới tính đã được xây dựng từ hàng thập kỷ nay, bao gồm các luật cấm tảo hôn và của hồi môn, nhưng trên thực tế, chúng không có hiệu lực thi hành mạnh mẽ do tình trạng thiếu ý chí chính trị của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.
Việc đấu tranh cho bình đẳng giới gặp khó khăn ngay từ cơ quan quyền lực nhất. Tại lưỡng viện quốc hội Ấn Độ, chỉ có 11% số ghế thuộc về các nữ nghị sĩ, một tỉ lệ xếp thứ 110/145 quốc gia (được thống kê) trên thế giới, thậm chí còn thấp hơn cả những nước như Nigiê hay Pakixtan. Trong gần 18 năm qua, các động thái nhằm trao thêm quyền lực cho phụ nữ ở bình diện bang và quốc gia, dựa trên đạo luật đảm bảo 33% số ghế cho phụ nữ tại cả hai cấp này, đều bị các nhà lập pháp nam giới cản trở.
Mặc dù vậy, phụ nữ và những người Ấn tiến bộ vẫn đang hy vọng, cái chết đau lòng của nữ sinh bị cưỡng hiếp sẽ mở ra cơ hội mang đến những đổi thay với phái yếu trong xã hội vốn nổi tiếng gia trưởng và bảo thủ ở Ấn Độ. Theo các nhà phân tích, làn sóng biểu tình có thể sẽ có thêm động lực khi tên thật của cô gái xấu số được công bố theo mong muốn của người cha nạn nhân nhằm tạo ra một biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì nữ quyền.
Thu Hằng