Năm trường đại học hàng đầu của Mỹ sẽ mở các khóa học online miễn phí cho sinh viên trên khắp thế giới thông qua một chương trình mới và lôi cuốn có tên gọi Coursera.
Daphne Koller và Andrew Ng là hai nhà đồng sáng lập ra chương trình này và đều là giáo sư về khoa học máy tính thuộc Đại học Stanford. Họ đã được tài trợ 16 triệu USD từ hai hãng tài chính ở Thung lũng Silicon đầu tư cho chương trình.
Theo kế hoạch, Coursera sẽ cung cấp hơn 30 khóa học trong năm nay trên website coursera.org của mình. Chương trình học tương đối phong phú từ thần thoại Hy Lạp cho đến thần kinh học, từ các phép tính trong toán học đến văn thơ đương đại Mỹ. Các lớp được thiết kế và dạy bởi các giáo sư ở các trường Sanford, Princeton, Đại học California ở Berkeley, Đại học Pennsylvania và Đại học Michigan.
Mở các lớp học online miễn phí đang là một xu hướng mới của các trường đại học có tên tuổi. Ảnh: Internet |
Coursera là một trong số rất nhiều dự án online đầy tham vọng nhằm tạo ra một môi trường giáo dục chất lượng cao dễ sử dụng và dễ tiếp cận. Trong khi rất nhiều chương trình dạy trên online chỉ đơn giản là cho đăng toàn bộ các bài giảng lên web mà không hề có các yếu tố tương tác, thì Coursera sẽ được đầu tư chuyên sâu hơn. Các giáo sư Daphne Koller và Andrew Ng cho biết Coursera sẽ trở nên khác biệt bởi vì các giáo sư đến từ các trường hàng đầu sẽ dạy dưới tên trường của mình và sẽ cập nhật những chương trình phổ biến nhất lên trang web. Họ còn có trách nhiệm đưa ra các bài kiểm tra cũng như trả lời các câu hỏi từ sinh viên trên các diễn đàn online, thậm chí có thể tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến nhiều giờ. Các phần kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm cũng như câu trả lời ngắn sẽ do máy tính chấm điểm.
Ngoài ra, Coursera sẽ sớm triển khai một hệ thống phân loại đi kèm để đánh giá những phần việc phức tạp hơn, như các bài tiểu luận hoặc các thuật toán khó. Sinh viên sẽ nhận được bằng tốt nghiệp đại học hoặc một số "chứng chỉ hoàn thành".
Trong khi đó, các công ty đứng ra thực hiện dự án này cũng có thể tìm kiếm lợi ích bằng cách kết nối giữa các nhà tuyển dụng lao động với các sinh viên, những người đã thể hiện được năng lực trong một lĩnh vực đặc biệt nào đó. Về phần mình, những trường đại học tham gia chương trình này cũng hy vọng danh tiếng của mình sẽ được biết đến trên toàn thế giới, cũng như có điều kiện liên kết với những trường khác và hy vọng nhận được những khoản quyên tặng từ những sinh viên hảo tâm học trực tuyến.
Mới đây, hai trường Đại học Harvard và MIT cũng đã bắt tay với nhau để mở các khóa học online miễn phí nhằm khẳng định thêm uy tín và vị thế của mình trên lĩnh vực còn non trẻ này. Hai trường sẽ tài trợ 30 triệu USD để tạo nên một tổ chức phi lợi nhuận gọi là "edX". Tổ chức này sẽ đứng ra phát triển nền tảng Internet cho các lớp học trực tuyến và thiết kế các phương thức giảng dạy và học tập mới theo công nghệ cao.
Chủ tịch đầu tiên của edX, cũng là chuyên gia khoa học hàng đầu của MIT phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Sứ mệnh của MIT và Harvard là sẽ đưa đến một nền giáo dục chất lượng và giá cả phải chăng nhất cho bất kỳ ai muốn tham gia học tập. Hiện nay, hàng triệu người trên thế giới đang không có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao. Chúng tôi sẽ đưa ánh sáng đến cho họ”.
Trong khi đó, trường Đại học California cũng đang ở giai đoạn khởi động với một mô hình khác, một phần là để giảm chi phí hướng dẫn. Theo lời của phó hiệu trưởng phụ trách kế hoạch của trường này thì trong năm nay trường sẽ mở 6 khóa học online nhưng chỉ dành riêng cho sinh viên ở trường. Theo ông, những nỗ lực của Harvard, MIT và Stanford cho các lớp học trực tuyến miễn phí là đáng hoan nghênh bởi họ là những đại diện tốt nhất để mang lại nền giáo dục chất lượng cao cho thế giới.
L.H (tổng hợp)