Theo trang Oddity Central (Anh), ly hôn vẫn là một chủ đề tối kỵ ở Ấn Độ. Hiện nay, việc hủy hôn hợp pháp thường chỉ được toà án chấp thuận trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về hành động bạo lực hoặc chứng minh được hành động vô nhân tính của vợ hoặc chồng.
Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, áp lực gia đình và xã hội buộc mọi người phải duy trì cuộc hôn nhân dù chung sống không hạnh phúc. Ngay cả khi một trong hai người đệ đơn ly hôn, yêu cầu đó hiếm khi được tòa án chấp thuận. Gần đây, sự thật không thể chối cãi này một lần nữa đã được xác nhận trong vụ kiện gây xôn xao dư luận quốc tế.
Ông Nirmal Singh Panesar – 89 tuổi, sĩ quan không quân đã nghỉ hưu – đã tìm mọi cách để ly dị vợ là bà Paramjit Kaur Panesar – 82 tuổi, một giáo viên đã nghỉ hưu trong gần 3 thập kỷ. Dù cả hai đều nhận thấy rằng cuộc hôn nhân của họ đã không thể cứu vãn, song Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết bác đơn ly hôn của người chồng.
Ông Nirmal và bà Paramjit kết hôn năm 1963. Cuộc hôn nhân của họ rất viên mãn với 3 người con - hai gái và một trai. Ông Nirmal từng phục vụ trong quân đội Ấn Độ và vợ ông là giáo viên tại Trung tâm ở Amritsar. Mặc dù cả hai đều có cuộc sống bận rộn nhưng họ đã sinh sống cùng nhau rất hạnh phúc cho đến tháng 1/1984. Thời điểm đó, ôngNirmal được quân đội điều chuyển đến thành phố Chennai, nhưng vợ ông từ chối đến Madras cùng chồng. Thay vào đó, bà thích sống cùng bố mẹ đẻ và con trai của mình.
Bất chấp nhiều nỗ lực hàn gắn, cuộc hôn nhân vẫn tan vỡ và vào năm 1996, khi ông Nirmal đệ đơn ly hôn lên Tòa án quận. Bốn năm sau, ông nhận được phán quyết có lợi, nhưng phán quyết đó nhanh chóng bị lật ngược do bà Paramjit kháng cáo. Paramjit nói rằng bà đã cố gắng hết sức để duy trì “mối quan hệ vợ chồng thiêng liêng” của họ.
Sau hai thập kỷ, vụ ly hôn của ông Nirmal được đưa lên cấp Tòa án Tối cao. Đến đầu tháng này, ông Nirmal đã đạt được mong muốn của mình nhưng kết quả lại không như mong đợi. Thẩm phán Aniruddha Bose và Thẩm phán Bela M Trivedi đã ra phán quyết rằng mặc dù cuộc hôn nhân của cặp đôi này “không thể cứu vãn”, nhưng điều đó không đủ để dẫn đến một cuộc ly hôn.
Tòa án ra phán quyết rằng mọi người không nên quên rằng thể chế hôn nhân chiếm một vị trí đặc biệt và đóng vai trò quan trọng trong xã hội Ấn Độ. Bất chấp xu hướng nộp đơn ly hôn ngày càng tăng, tại các tòa án, hôn nhân vẫn được coi là sợi dây gắn kết tình cảm vô giá giữa vợ và chồng trong xã hội Ấn Độ.
Hai Thẩm phán kết luận: “Vì vậy, không nên chấp nhận rằng hôn nhân tan vỡ ‘không thể hàn gắn’ như một công thức bó buộc để giải quyết vụ ly hôn này”.
Tòa Tối cao Ấn Độ cho rằng việc cho phép ly hôn sẽ là “bất công” với bà Paramjit. Bà nói rằng đã nỗ lực hết sức để tôn trọng cuộc hôn nhân, khẳng định sẵn sàng chăm sóc chồng những năm tháng cuối đời và “không muốn chết và bị kỳ thị là một phụ nữ đã ly hôn”.
Ở nhiều nơi ở Ấn Độ, ly hôn là điều không thể chấp nhận được. Cứ 100 cặp đôi kết hôn thì chỉ có 1 cuộc hôn nhân tan vỡ.