Hãy tưởng tượng rằng bạn không thể nhớ gần hết cuộc đời mình hoặc không thể hình thành bất kỳ loại ký ức mới nào? Hãy cảm nhận cảm giác sẽ quên hết mọi thứ sau khi làm điều gì đó hoặc gặp một người nào đó chỉ trong vài giây? Tất cả những trải nghiệm tồi tệ đó chính là một phần trong cuộc đời của Clive Wearing - cựu nhà âm nhạc học, nhạc trưởng, giọng nam cao và nhạc công Keyboard kỳ cựu - sống tại London, Anh. Một loại virus gây tổn thương não đã tấn công Clive, khiến ông chỉ có trí nhớ trong khoảng 7 đến 30 giây.
Cuộc đời của Clive đã bước sang một trang mới vào ngày định mệnh 29/3/1985, khi ông ngã quỵ trên sàn nhà và được vợ ông, bà Deborah, đưa đến bệnh viện St. Mary ở London để cấp cứu. Clive đã bị đau đầu trong vài ngày, nhưng ông không ngờ được rằng não của mình đã bị nhiễm virus insidius, loại virus sẽ “ăn” sạch vùng hải mã, phần não xử lý cách hình thành và lưu giữ ký ức của con người.
Virus herpes simplex 1, thường gây ra mụn loét ở môi, là nguyên nhân gây ra chứng viêm não ở nhà âm nhạc học kỳ cựu. Trong một số trường hợp hiếm hoi, virus bùng phát gần dây thần kinh cột sống, thay vì gây ra vết loét như thông thường, nó sẽ di chuyển đến não, khiến não sưng to, đè lên và chèn ép hộp sọ. Đây là một trong những dạng viêm não hiếm gặp nhất, nhưng nó cũng là một trong những dạng nguy hiểm nhất.
Các bác sĩ cho biết ông Clive chỉ còn 20% cơ hội sống sót. Tuy nhiên, sau khi được điều trị bằng thuốc kháng virus trong nhiều ngày, thể chất của ông bắt đầu cải thiện. Song thời gian trôi qua, các bác sĩ, vợ của Clive và chính ông cũng hiểu ra rằng não của ông không còn như trước nữa.
Lúc đầu, Clive cảm thấy hưng phấn bất thường. Ông đi bộ khắp bệnh viện, pha trò, hoặc thậm chí bất ngờ nhảy ra khỏi một chiếc ô tô đang di chuyển. Khi các bác sĩ không thể kiểm soát Clive, họ đã cho ông sử dụng tất cả các loại thuốc an thần. Sau đó, bắt đầu nhận ra điều khác lạ đang xảy ra với mình, tâm trạng của Clive thay đổi. Ông bắt đầu khóc, vợ ông nói rằng Clive đã khóc liên tục trong một tháng rồi mới bắt đầu chấp nhận thực tế mới của mình.
Clive bị viêm não nặng khiến ông mắc chứng hay quên anterograde. Điều này khiến ông không thể tạo ra những ký ức mới. Mỗi ngày, ông cảm thấy như mình thức dậy vài lần mỗi phút. Khi đang ăn, ông thường quên mất mình đang ăn gì hoặc mùi vị của nó như thế nào, vì não của Clive về cơ bản sẽ “kích hoạt” lại hoàn toàn trong khoảng thời gian từ 7 đến 30 giây. Nhưng điều đó chưa đủ đau lòng, Clive nhận ra rằng có điều gì đó không ổn xảy ra với mình, ông không thể nhận ra ai và cũng không nhớ được điều gì.
Tại một thời điểm, Clive bắt đầu viết nhật ký về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình, cũng là một cách để ghi nhớ mọi thứ. Ông ghi lại những khoảnh khắc tỉnh táo và minh mẫn của mình dù những dòng chữ đó lặp đi lặp lại liên tục. Sau 7 giây, Clive lại quên ngay lập tức. Thậm chí nếu có quyển nhật ký trước mặt, ông cũng quên bắt đầu từ đâu, dù đang ở trang trắng. Thay vì giúp đỡ Clive, cuốn nhật ký đã trở thành bằng chứng cho thấy sự tuyệt vọng của ông.
“Khả năng nhận thức những điều đã nhìn, nghe thấy của Clive không hề suy giảm. Nhưng ông ấy dường như không có bất kỳ ấn tượng nào về mọi thứ chỉ trong chớp mắt. Mỗi cái chớp mắt, mỗi cái quay đi ngoảnh lại đều mang đến cho ông ấy một cái nhìn hoàn toàn mới”, bà Deborah viết trong cuốn sách “Forever Today”.
Chứng mất trí thuận chiều (anterograde amnesia) - không có khả năng hình thành trí nhớ mới của Clive chỉ là một phần của vấn đề. Ông còn mắc chứng mất trí ngược chiều, có nghĩa là ông bị mất hầu hết trí nhớ lâu dài của mình. Ông biết rằng mình đã kết hôn nhưng không thể nhớ gì về đám cưới của mình. Clive cũng biết rằng ông có con - từ một cuộc hôn nhân trước đây - nhưng không thể nhớ tên của chúng.
Cựu nhà âm nhạc nay đã 84 tuổi, nhớ rất ít về cuộc sống của mình trước năm 1985. Tuy nhiên, ký ức về những việc nhỏ nhặt hàng ngày của ông vẫn còn nguyên vẹn. Ông nhớ cách cạo râu hoặc tắm rửa, và “trí nhớ cơ bắp” của ông không bị ảnh hưởng bởi chứng mất trí nhớ nghiêm trọng, thậm chí ông vẫn có thể chơi nhạc một cách tuyệt vời.
Câu chuyện đau lòng của Clive Wearing đã trở thành chủ đề của bộ phim tài liệu “Tù nhân có ý thức” năm 1986, cũng như trong cuốn sách “Forever Today” của vợ ông.