Nếu là một năm trước, bà Luda Nesterenko không nghĩ nhiều về chuyện quốc tịch. Với việc có mẹ là người Ukraine và bố là người Nga, như nhiều người khác trong khu vực từng thuộc Liên bang Xô Viết, bà Nesterenko là một sự pha trộn của hai văn hóa Slavơ gần gũi đến mức bà hầu như không cảm thấy cần thiết phải phân biệt rạch ròi giữa hai dòng máu.Nhưng đó là chuyện trước khi những
người biểu tình tụ tập trên những con phố ở thủ đô Kiev tháng 11 năm 2013 để thể hiện sự chống đối với Tổng thống Viktor Yanukovych, người mà bà không đặc biệt yêu thích nhưng cũng sẵn lòng không chống lại, vì một sự ổn định.
Cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động Ukraine và người biểu tình tại Kiev ngày 24/11/2013. Ảnh: RIA Novosti |
Đó cũng là chuyện trước khi ông Yanukovych bị lật đổ, và Nga sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm), trước cả khi cuộc chiến tranh giữa các lực lượng của chính phủ Ukraine và các tay súng đòi ly khai ập đến thành phố của bà.
Trong một ngày gần đây, người phụ nữ 47 tuổi đứng nhìn hiện trường vụ nổ sau khi một quả đạn pháo xuyên qua mái nhà bà ở góc con đường Komsomolsk và Transport, lặng lẽ gạt đi dòng nước mắt. Chỉ trong một cái tích tắc giữa một ngày tháng 8, quả đạn pháo đã biến những khoản tiết kiệm cho cuộc sống của gia đình bà về con số không, như thể một câu thần chú "úm ba la" không thể hoàn lại.
“Giờ thì ai sẽ trả lời cho điều này đây? Chính phủ nào?”. Câu hỏi đó vang lên khi bà Nesterenko chỉ về đống gạch vụn của căn nhà nơi bà và hai đứa con đang tuổi vị thành niên từng sống. “Chúng tôi là những người đơn giản, chăm chỉ làm việc ở đây. Chúng tôi chưa bao giờ cãi vã với bất kì ai, nhưng đột nhiên chúng tôi là kẻ thù và có vẻ như (Tổng thống Petro) Poroshenko muốn giết hết chúng tôi”, bà nói.
Trong khi các cuộc hội đàm ở Kiev bàn về việc đánh bại phe ly khai và thống nhất đất nước, thì nhiều người ở đây cho biết chính quyền trung ương gần như không có cơ hội được người dân nơi đây ủng hộ. Bởi với những người Ukraine ở miền đông như bà Nesterenko, những giao tiếp từ Kiev chỉ xuất hiện dưới hình dạng của những quả tên lửa, để rồi sau đó người dân lầm lũi nhặt nhạnh những mảnh vỡ sau khi những cuộc đụng độ qua đi.
Sự tức giận với Kiev bị đẩy lên cao hơn khi gần đây Tổng thống Poroshenko tuyên bố sẽ cắt hoàn toàn ngân sách chi trả cho các cơ quan nhà nước cũng như dịch vụ ngân hàng ở đông Ukraine.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, hơn 1 triệu người Ukraine đã rời bỏ những khu vực xung đột ở miền đông. Nhưng hơn 3 triệu người vẫn ở lại, vì họ ủng hộ phe li khai, vì quá ốm yếu, quá nghèo đến nỗi không thể chuyển đi hoặc không thể bỏ những người thân cao tuổi lại phía sau.
Giờ đây, ở những thành phố dọc khu vực miền đông, cư dân cho biết quan điểm phổ biến tại đây là Kiev không còn giúp đỡ những công dân Ukraine đã ở lại, cho dù họ có ở lại vì không còn nơi nào khác để đi. “Nếu xem hộ chiếu, tôi vẫn là một công dân Ukraine, nhưng có vẻ như Kiev đã hoàn toàn quên mất chúng tôi”, bà Nesterenko nói.
Ảnh hưởng của việc đóng băng tài chính với các vùng lãnh thổ do lực lượng ly khai chiếm đóng có thể vô cùng nặng nề. Suốt 5 tháng qua, những đối tượng được chính phủ trả lương, bao gồm giáo viên, bác sĩ và những người về hưu đã không nhận được đồng nào.
Và khi các chi nhánh địa phương bị cắt đứt liên hệ với hệ thống ngân hàng trung ương, những công dân ở đây sẽ không có cách nào để rút được tiền từ bất kì tài khoản nào mà họ còn sở hữu. Không có tiền để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, hàng chục ngàn người ở đông Ukraine đang phụ thuộc vào các gói cứu trợ nhân đạo được chuyển đến từ Nga tại các văn phòng hay trụ sở chính quyền do lực lượng ly khai chiếm đóng.
Tuần trước, lãnh đạo phe ly khai đã tuyên bố sẽ thành lập một quỹ lương hưu riêng, dịch vụ bưu chính và một hệ thống mạng lưới ngân hàng. Dù chưa rõ các dịch vụ trên sẽ nhận được nguồn chi trả từ đâu, nhưng lãnh đạo phe nổi dậy đã ám chỉ đến việc tái quốc hữu hóa các mỏ than trong khu vực cùng các ngành công nghiệp nặng để tạo ra việc làm và thuế thu nhập.
Ông Oleg Plahotin, một cư dân ở thị trấn Ilovaisk cho biết một quả đạn pháo đã bắn trúng nhà ông vào ngày 16/8. Hai năm trước, ông mua lại ngôi nhà bằng gạch đơn sơ được xây dựng vào năm 19 từ một cặp vợ chồng già và gần đây vừa tân trang để dành cho vợ và cô con gái 12 tuổi. “Đó là một ngôi nhà rất tuyệt… còn giờ thì...”, ông nói khi dọn dẹp đóng đổ nát còn lại sau của nội thất bên trong.
Cũng như bà Nesterenko, ông Plahotin từng không để ý nhiều đến chuyện quốc tịch. Những người anh chị em của ông sống ở thành phố trung tâm Vinnytsia của Ukraine, nơi ông Poroshenko lớn lên. Những ngày này, quan hệ giữa những người chung máu mủ trong gia đình ông trở nên gượng ép, và những cuộc điện thoại ngày càng hiếm diễn ra hơn.
“Họ nghĩ những người ở đây là kẻ thù của họ, và người ở đây cũng nghĩ như vậy về những người ở phía tây. Họ sống gần Kiev hơn, vì vậy sự đồng cảm của họ nằm ở phía đó”, người đàn ông 40 tuổi nói.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã chia cắt các gia đình, tạo ra những khác biệt trong các thế hệ giữa những ông bố bà mẹ vẫn còn nhớ về một quá khứ Liên Xô với những đứa con hướng về châu Âu. Còn nền kinh tế trong tình trạng nhiều mảnh miếng và sẽ cần hàng tỉ USD từ nguồn viện trợ quốc tế để có thể duy trì.
Nhiều người ở khu vực miền đông cho biết họ là nạn nhân bị mắc kẹt trong một cuộc chiến ý thức hệ giữa Nga và phương Tây. “Ukraine nghĩ đang chiến tranh với Nga, Nga nghĩ đang chiến tranh với Mỹ, còn người dân ở Donbas chỉ muốn biết tại sao tất cả những điều này lại đang diễn ra trong ngôi nhà của họ”, Zhenya Shibalov, một phóng viên từ Donetsk nói.
Anh Tiếu (
Theo Los Angeles Times)