Đằng sau những đám tang miễn phí ở Ônđurát

Ônđurát là quốc gia có tỉ lệ tội phạm giết người cao nhất thế giới và nhiều nạn nhân là người nghèo vô tội. Tại thủ đô Têguxiganpa, một chính trị gia đã giữ lời hứa khi vận động tranh cử gần 7 năm trước: tài trợ chi phí tang lễ cho những nạn nhân của tình trạng bạo lực mà người thân của họ không đủ khả năng lo cho họ một đám tang đàng hoàng.


 

Người dân Ônđurát biểu tình phản đối bạo lực lan tràn.

Một buổi sáng thứ bảy, chuông điện thoại reo vang tại Văn phòng tang lễ nhân dân, nằm trên một con phố ồn ã ở Têguxiganpa. Đầu dây bên kia là một công nhân nhà xác thành phố. Người này cho biết, một gia đình cần giúp đỡ - một người đàn ông trẻ bị bắn chết trên phố hôm trước, và người thân của anh ta không đủ tiền để làm tang lễ cho tươm tất.


Chỉ trong vài tiếng, một chiếc xe tải màu đen xịch tới nhà xác, đem theo một chiếc quan tài. Chiếc xe cũng mang tới cả kệ đặt quan tài, mành, nến và cả cà phê, bánh mì cho người thân túc trực. Tang lễ sẽ tổ chức tại nhà thờ địa phương, trước khi nạn nhân Ramon Orlando Varela được chôn tại một địa điểm do Văn phòng tang lễ nhân dân cung cấp. Đó là một dịch vụ trọn gói miễn phí cho người nghèo mà văn phòng của Thị trưởng Têguxiganpa, Ricardo Alvarez đang thực hiện.


“Khi đắc cử thị trưởng gần 7 năm trước, tôi phát hiện, nhiều người được chôn cất trong những túi nilon đựng rác”, ông Alvarez nhớ lại. “Tôi nghĩ, không để tình trạng này xảy ra trên đất nước của tôi, thành phố của tôi. Vì vậy, tôi đã mở dịch vụ tang lễ miễn phí trong 6 năm qua, và đây đang là năm thứ bảy”.


Nhưng bi kịch là, một dịch vụ như vậy đang cần thiết hơn bao giờ hết ở Ônđurát. Anh Ramon Orlando Varela vừa đưa con tới trường học thì bị bắn chết. Khi chồng bị giết, chị Erica Fuentes đang đi cùng anh, và giờ chị đang phải vật lộn để vượt qua cả nỗi đau mất mát lẫn khó khăn kinh tế. “Chúng tôi vừa thả con xuống trường thì xảy ra chuyện. Tôi nghĩ Ramon bị bắn nhầm”, Erica cho biết. Văn phòng đã đỡ cho người góa phụ trẻ một gánh nặng lớn bởi chi phí cho một dịch vụ tang lễ cá nhân tốn khoảng 21 triệu VND.


Ủy ban Nhân quyền quốc gia Ônđurát đã ước tính, cứ 74 phút tại quốc gia nhỏ bé chỉ có khoảng 8 triệu dân này lại xảy ra một vụ bạo lực chết người. Năm ngoái, Ônđurát ghi nhận tỉ lệ giết người cao nhất thế giới, cứ 100.000 dân thì có 86 người bị giết, trong khi tỷ lệ này ở Anh chỉ là hơn 1, còn tại Mêhicô là 18.


Đa số những người thiệt mạng do bạo lực tại Ônđurát bị giết bởi súng. Nhưng lý do của các vụ giết chóc, với tỉ lệ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005, thì rất phức tạp. Nạn tham nhũng, gangster và súng ống đã lan tràn tại đất nước này từ hàng thập kỷ qua. Năm 2009, cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya đã dẫn đến một làn sóng bạo lực chính trị đẫm máu. Và nay thì người Ônđurát phải đối phó với sự hiện diện của các băng đảng ma túy từ Mêhicô, đang mở rộng ảnh hưởng xuống phía nam nhằm khai thác những con đường vận chuyển cocaine mới xuyên Trung Mỹ. Ước tính, 79% các chuyến bay mang theo cocaine từ Nam Mỹ tới Mỹ dừng chân tại Ônđurát, đất nước có tới 2/3 dân số sống trong cảnh nghèo khổ. Liên hợp quốc cũng ước tính, trung bình 10 người dân Ônđurát sở hữu 1 khẩu súng. Không ai được an toàn ở quốc gia này, đặc biệt các nhà hoạt động xã hội, nhà báo và luật sư đều trở thành những mục tiêu dễ bị ám sát.


Tình trạng tham nhũng lan tràn trong lực lượng cảnh sát cho phép bạo lực hoành hành mà không bị trừng phạt. Một vụ án mạng xảy ra vào cuối tháng 10/2011 là bằng chứng cho thấy một kiểu giết người khác hoàn toàn không liên quan đến ma túy và nó nhanh chóng trở thành sự kiện tượng trưng cho cuộc khủng hoảng an ninh trầm trọng ở Ônđurát.


Buổi tối cuối tuần hôm đó, hai sinh viên tên là Alejandro Vargas, 22 tuổi, và Carlos Pineda, 24 tuổi, bị bắn chết bởi nhiều phát đạn khi họ đang lái xe trở về nhà sau buổi tiệc sinh nhật. Vụ giết người gây rúng động cả nước đã dẫn đến cuộc điều tra đặc biệt trong lực lượng cảnh sát. Bốn sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi bị bắt giữ vì có bằng chứng cho thấy họ liên quan đến án mạng, nhưng cả bốn nhanh chóng được thả tự do và kịp trốn thoát trước khi có lệnh bắt giữ lại do làn sóng giận dữ lan rộng khắp thủ đô.


Sau cuộc đảo chính năm 2009 tại Ônđurát, chính phủ Mỹ đã tăng cường hợp tác với chính phủ mới nhằm đối phó với nạn bạo lực và buôn lậu ma túy tại nước này, tuy nhiên, biểu đồ bạo lực giết người tại quốc gia nhỏ bé ở Trung Mỹ này vẫn không ngừng đi lên.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN