Đêm Arập

Xứ sở 22 nước Arập nằm ở khu vực Bắc Phi và Tây Á. Vài triệu năm trước, đó là vùng rừng rậm. Do sự biến thiên của vỏ trái đất cùng các vụ động đất nên các cánh rừng rậm đó bị nhấn chìm xuống lòng đất và lòng biển cả, để lại nơi đây chỉ còn là một vùng toàn cát là cát với những sa mạc khô cằn. Sau cả triệu năm bị vùi lấp, các cánh rừng Arập đó biến thành những túi dầu mỏ khổng lồ và từ đầu thế kỷ trước, do tình cờ khoan đào tìm giếng nước ngọt để ăn uống và tắm giặt trên sa mạc mà người Arập phát hiện ra dầu mỏ. Nguồn dầu mỏ đó đã tạo cho các nước Arập nguồn của cải tràn trề. Người Arập dùng nguồn vàng đen đó xây dựng các thành phố hiện đại trên sa mạc, cải tạo một phần sa mạc thành đồng ruộng tốt tươi, thành những vành đai xanh cho cuộc sống của họ.

Tượng Nhân sư và kim tự tháp luôn hấp dẫn du khách đến Ai Cập. Ảnh: Hồng Nga


Nhưng trước khi lấy được nguồn vàng đen đó lên phục vụ cho cuộc sống thì bao lớp người Arập đã phải “sống trên cát, chết vùi trong cát”. Đã phải sống cuộc đời du mục trên lưng lạc đà dưới cái nắng như thiêu như đốt ban ngày với nhiệt độ từ 45 độ trở lên và cái lạnh đến run người của đêm đen sa mạc, quanh năm không có tới dăm ngày mưa, và khi mưa thì kèm theo bão cát, lúc thì mù mịt, lúc thì như nước bùn đổ xuống đầu người dân nghèo bởi nhà không bao giờ có mái che mưa mà chỉ là những cây ngô, rơm rạ khô vứt lên mái để che nắng. Họ phải bám theo các triền sông và ven biển để sinh sống, lấn dần cát bụi bằng những con kênh và những rặng phi lao, những cây chà là, biến những mảnh đất nhỏ đó thành ruộng đồng.

Người Arập cao to, da nâu, mắt nâu, rậm râu tóc. Sống giữa sa mạc nên họ buộc phải nói to, khi nói hai tay còn giơ lên để diễn tả cho lời nói thêm rõ ràng, vì vậy mà ngày nay tuy sống giữa phố phường hay làng mạc họ vẫn giữ thói quen ăn to nói lớn và vung tay liên tục như vậy. Ngay cả những em nhỏ mới học mẫu giáo, vỡ lòng cũng nói to và vung tay thoải mái như người lớn, trông thật ngộ nghĩnh!

Chiều xuống ở góc phố cổ Cairô, Ai Cập. Ảnh: Hồng Nga

Công tác nhiều năm ở xứ sở này, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng “Xứ Arập cái gì cũng to”! Mà đúng như vậy thật. Cứ ra chợ Arập mà xem từ củ hành, củ tỏi, bắp cải, súp lơ, quả cam, quả quýt, quả soài, quả bí đỏ, bí xanh, quả mướp, dưa hấu… đều to gấp đôi, gấp ba những hoa quả cùng loại ở xứ ta. Có lần vào mùa hè chúng tôi còn mua được quả dưa hấu nặng tới 16 kg! Thì ra đất trồng trọt của người Arập tuy hẹp, chỉ chiếm chưa đầy 1% diện tích đất đai, nhưng lại là thứ đất tốt, gieo hạt gì xuống cũng mọc lên xanh tốt, hoa lá xum xuê, miễn là đủ nước tưới. Hai thứ cây đặc sản của xứ Arập là chà là và ôliu. Họ bảo chúng tôi: “Bọn tao to con, khỏe mạnh, dai sức là nhờ quả chà là và dầu ôliu, có thế mới trụ nổi với nắng gió sa mạc, bão cát và nhiều thử thách khác”.

Phụ nữ Arập da trắng hoặc nâu, mũi cao, mắt to nhìn sâu thăm thẳm và ươn ướt đầy quyến rũ; thân hình nở nang, ba vòng đâu ra đấy, tóc đen hoặc nâu. Từ bao đời nay họ phải chấp nhận luật Hồi giáo để cho chồng có đến 4 bà vợ, còn gái chính chuyên chỉ có một chồng! Người ta lấy nhau trong họ hàng gần hoặc xa. Mãi tới gần đây giới có học không còn lấy vợ trong họ hàng nữa và nạn đa thê cũng giảm dần trong giới trí thức. Gần một thế kỷ đấu tranh đòi bình quyền, bình đẳng, phụ nữ Arập ở một số nước đã được ăn mặc tự do như ở phương Tây, được phép ly dị chồng, chống nạn đa thê, được học hành tới nơi tới chốn, được đi làm cùng nam giới ở công sở và ứng cử vào các cơ quan quyền lực. Giới báo chí chúng tôi thường trú tại một số nước Arập thường thống nhất nhận xét như sau về phụ nữ Arập: "Đẹp nhất là gái Libăng, tiếp đó là Xyri, Ai Cập, Irắc, Angiêri…”.

Ở xứ sở Arập mặt trời thường mọc sớm và lặn muộn, do đó ngày thì dài và đêm thì ngắn. Ban ngày trời thường trong xanh không một gợn mây, đêm đến bầu trời chuyển sang tối thẫm đầy huyền bí, sao lấp lánh màu xanh, gió thổi mạnh mang không khí mát mẻ từ sa mạc vào thành phố, xua đi cái nóng bức oi ả của ban ngày. Tôi đã nhiều lần đứng bên chân kim tự tháp về đêm và có một thứ cảm giác kỳ lạ: Không gian yên tĩnh tới mức có thể nghe rõ tiếng gáy của những chú dế mèn gọi bạn tình và tiếng cát thở! Những âm thanh u u vang liên hồi như tiếng kêu ai oán của những thi hài nằm sâu bên trong các kim tự tháp lớn có, bé có trên khu “bình nguyên Giza” chạy dọc theo bờ Tây sông Nile dài tới 20 km. Ở đây có tới 70 kim tự tháp lớn nhỏ, có những kim tự tháp bị cát vùi lấp hàng nghìn năm nay vừa mới được tìm thấy.

Thời bình yên, hàng tuần, du lịch Ai Cập tổ chức những đêm “Âm thanh và ánh sáng” ngay bên cạnh tượng nhân sư và ba kim tự tháp lớn nhất. Qua âm thanh và ánh sáng, bạn được xem và nghe diễn lại cảnh hàng ngàn người Ai Cập đẽo đá từ thượng nguồn sông Nile rồi dùng thuyền chuyển những tảng đá nặng hàng tấn đó về Giza ngay ở phía bắc Cairô để xây dựng các kim tự tháp: Cảnh lễ tang các vua chúa (pharaons), cảnh đưa thi hài của họ xuống mồ nằm sâu bên trong các kim tự tháp…

Đêm Arập còn là những màn múa bụng với nhã nhạc vang rền, rộn ràng tại những phòng trà, nhà hát hay ở các sạp rộng quây xung quanh bằng những tấm vải len thêu đủ màu sắc của văn hóa Arập dựng lên ở sa mạc gần các kim tự tháp. Ở đó người xem mặc những bộ quần áo dân tộc ngồi quanh những vũ nữ ăn mặc hở hang, loại bikini hai mảnh màu vàng óng ánh, với những dải tua cũng bằng sợi óng ánh dưới ánh đèn màu để che bớt phần ngực, phần đùi. Các vũ nữ đua nhau lắc vai, lắc cổ, lắc tay, lắc ngực, lắc bụng, lắc mông, lắc đùi theo điệu nhạc tưng bừng. Đôi tay múa rất dẻo, đôi mắt lúng liếng liếc đưa tình khiến khán giả ai cũng lầm tưởng như nàng liếc mắt với riêng mình! Vũ nữ múa một vòng sát các ghế ngồi của khán giả, từ vòng thứ hai trở đi khán giả bắt đầu thưởng tiền bằng cách gấp đôi tờ giấy bạc rồi gài vào ngực vũ nữ trong tiếng vỗ tay tán thưởng như điên như cuồng. Hết vũ nữ này vào lại một vũ nữ khác ra thay thế, và đêm múa bụng lung linh, huyền ảo kéo dài đến gần sáng.

Mùa hè khách du lịch từ khắp các nước Arập vùng Vịnh giàu có thường kéo nhau sang nghỉ hè tại Cairô, Bâyrút (Libăng) và nơi họ thường xuyên đến hàng đêm là những nơi biểu diễn múa bụng.

Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt của khí hậu và đất đai, nhưng từ ngàn năm trước, nền văn minh sông Nile và văn minh Lưỡng Hà đã nổi tiếng khắp thế giới. Các công thức toán học cao cấp mà các nhà bác học châu Âu tìm ra vào những thế kỷ cận đại và hiện đại sau này đều đã có trong lòng các kim tự tháp cách đây hơn 4.000 năm. Nước hoa, bia giải khát đã được người Ai Cập cổ đại phát minh ra từ cách đây vài nghìn năm. Thư viện Alexandria cổ đại, một trong bảy kỳ quan của thế giới, nằm ở thành phố cảng Ai Cập. Truyện “Nghìn lẻ một đêm” nổi tiếng ở vùng Lưỡng Hà (Irắc) cũng ra đời từ hàng nghìn năm trước. Và ngày nay, hai nền văn minh đó vẫn đang tạo ra nhiều kỳ tích mới.

Hy vọng một ngày nào đó, bình yên sẽ trở lại với người Arập, để du khách tứ phương lại được tự do khám phá miền đất đặc biệt này!


Nguyễn Như Kim

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN