Cũng giống như nhiều nước đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã mang lại nhiều đổi thay trong đời sống của người dân Bắc Kinh nói riêng và Trung Quốc nói chung. Kinh tế phát triển, đời sống nâng cao đã giúp người dân nước này tiếp cận với nhiều phương thức tiêu dùng tiện lợi, hiện đại, văn minh. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị lớn, các chuỗi cửa hàng, sự bùng nổ thương mại điện tử đã tạo ra những thách thức không nhỏ tới mô hình chợ truyền thống ở đất nước đông dân nhất thế giới này.
Từ chợ truyền thống...
Chỉ cần dạo qua vài con phố, ngõ nhỏ ở Bắc Kinh, bạn sẽ cảm nhận được sự tồn tại tất yếu của kiểu chợ truyền thống giống ở Việt Nam. Đó là những hàng quán nhỏ, những quầy hàng, sạp hàng tự phát trên đường phố, hay đơn giản là “quầy hàng di động” được bày bên trong những chiếc xe ô tô con, hay những chiếc máy, xe “lam” ba, bốn bánh đỗ trên đường đến các loại chợ cóc, chợ phiên (chỉ bán buổi sáng)…
Một góc chợ truyền thống ở Trung Quốc. |
Những người đi chợ chủ yếu là người già và trung niên. Giá cả ở chợ cũng không có mức cố định, và được thỏa thuận theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý nếu đến những chợ bán buôn thực phẩm, hải sản ở Bắc Kinh thì “thuận mua vừa bán” ở đây có thể hiểu là nếu bạn thích mua rẻ họ cũng sẽ bán rẻ với giá mà bạn mặc cả nhưng một điều chắc chắn bạn sẽ bị cân “điêu”. Tùy theo mức giá bạn trả mà bạn bị cân thiếu nhiều hay ít. Nếu có tinh ý phát hiện ra, họ cũng cười xòa và thanh minh rằng đấy là “luật bất thành văn” ở đây. Thế mới có chuyện cùng một cửa hàng, cùng một mặt hàng mà có tới 3, 4 mức giá khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc trọng lượng bị cân thiếu khác nhau.
Ưu thế của chợ truyền thống là tiện lợi, bởi nó có thể mở ở bất cứ đâu, không có những thủ tục rườm rà như gửi đồ hay đứng xếp hàng chờ trả tiền (nhất là vào dịp lễ tết hay giờ cao điểm). Chợ truyền thống không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ… mà còn là nơi để các bà, các cô, thậm chí cả đấng mày râu giao lưu, gặp gỡ. Chính vì thế, cho dù các siêu thị, các chuỗi cửa hàng mọc lên như nấm, hay sự bùng nổ của thương mại điện tử ở Trung Quốc nhưng chợ truyền thống vẫn có “đất để sống” như nó vốn có và vẫn duy trì được một lượng lớn khách hàng.
... đến siêu thị
Trước đây, người dân Trung Quốc muốn mua mớ rau, cân thịt… chỉ có cách ra chợ nhưng bây giờ trong hầu hết các siêu thị đều có quầy rau quả tươi, thịt đông lạnh, thậm chí là cá sống, với môi trường kinh doanh sạch sẽ, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bầy ngay ngắn trên kệ hay trong tủ kính. Một số mặt hàng trong siêu thị do giảm bớt khâu trung gian nhập hàng nên giá thậm chí còn rẻ hơn giá ngoài chợ.
Theo một khách hàng họ Trương, trước đây chị cũng có thói quen mua rau ngoài chợ nhưng sau một lần đi mua rau cùng cô em gái ở siêu thị, chị liền thay đổi tư duy. Còn với những người như ông Thái thì lý do đến siêu thị cũng rất giản đơn. Người đàn ông này cho biết trước đây cũng mua rau ở chợ nhưng mấy người bán thấy ông là nam giới, ngại mặc cả nên họ nói thách cao, thậm chí nhiều lúc ông mua đắt hơn người khác nhưng vẫn bị cân thiếu. Giờ mua rau trong siêu thị, giá cả niêm yết rõ ràng, cân điện tử chính xác, ông không còn có cảm giác bực mình như khi mua đồ ở chợ trước đây.
Vào siêu thị, hay các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như Carrefour, Walmart…, khách hàng còn được dịp tha hồ ngắm nghía vô vàn những mặt hàng khác. Đối với các thượng đế, đây cũng là một sự hưởng thụ.
Sự sạch sẽ, vệ sinh, an toàn chất lượng cùng sự phong phú, đa dạng của sản phẩm mà các siêu thị mang lại cũng tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với chợ truyền thống. Tuy nhiên, theo những chuyên gia trong ngành, điều kiện để siêu thị thay thế chợ truyền thống trở thành nơi mua bán chính đối với người dân Trung Quốc vẫn chưa đủ chín muồi. Ngoài ra, do diện tích che phủ của siêu thị không lớn; hệ thống tiêu thụ chuỗi như sản xuất, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ vẫn chưa hoàn thiện nên trong thời gian trước mắt, chợ truyền thống vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường.
(còn tiếp)
Hải Yến (Phân xã Bắc Kinh)