Động lực đằng sau lợi nhuận cao chót vót của các công viên giải trí của Disney chính là nhờ quy mô khổng lồ. Theo số liệu của trang statista.com, Disneyland chiếm tám vị trí trong danh sách 10 công viên thu hút nhiều khách tham quan nhất thế giới trong giai đoạn 2010 - 2014. Riêng trong năm 2014, công viên Magic Kingdom nằm trong tổ hợp giải trí Walt Disney World ở Mỹ đã đón số lượng khách kỷ lục, 19 triệu lượt, cao gần bằng dân số bang New York.
Công viên Disneyland ở Los Angeles (Mỹ). |
Ý tưởng xây dựng công viên lóe lên trong đầu doanh nhân Walt Disney vào một ngày Chủ nhật khi ông nhìn các con gái chơi vòng quay ngựa gỗ. Ông nhận thấy nếu có được một khu giải trí nơi cả người lớn và trẻ em đều có thể vui chơi cùng nhau thì sẽ là một cơ hội tuyệt vời. Công viên Disneyland đầu tiên được xây dựng tại Anaheim, bang California, rộng 34,4 hécta, thu hút khoảng 13,3 triệu lượt khách mỗi năm và chính thức mở cửa đón du khách ngày 18/7/1955.
Các công viên thời đó chỉ có vài trò chơi mà cha mẹ có thể tham gia cùng con cái, song chúng thường không sạch sẽ và thiếu an toàn. Bằng việc phát triển và thiết kế các trò chơi tích hợp với những câu chuyện cổ tích hấp dẫn và hình ảnh nhân vật hoạt hình nổi tiếng, công viên Disneyland tại California chính là điểm khởi đầu của “bộ máy sinh lời” khổng lồ của Disney ngày nay.
Kể từ khi Disneyland ra đời, mô hình khu vui chơi giải trí theo chủ đề ngay lập tức trở thành một hiện tượng thời điểm đó. Các công viên Disneyland sau đó được mở thêm tại bang Florida, ở Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp) và gần đây nhất, tại Hong Kong (Trung Quốc). Một khu tổ hợp công viên giải trí - nghỉ dưỡng lớn ở Thượng Hải dự kiến sẽ khai trương vào giữa tháng Sáu năm nay.
Với chi phí điều hành một công viên giải trí là rất lớn, vé vào cửa thường bao hàm phần lớn các chi phí nhưng không đủ để đảm bảo lợi nhuận ròng. Doanh thu của Disneyland phần lớn đến từ kinh doanh thực phẩm - đồ uống, các sản phẩm, đồ chơi mang thương hiệu Disney và dịch vụ giải trí khác như du thuyền hay chụp ảnh cùng nhân vật hoạt hình. Bên cạnh dịch vụ lưu trú trong khu nghỉ dưỡng được thiết kế như “chuyện cổ tích”, các cửa hàng quà tặng được khéo léo thiết kế đan xen trong công viên đã đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Điều này lý giải tại sao các công viên giải trí - khu nghỉ dưỡng là “con gà đẻ trứng vàng” lớn thứ hai trong đế chế Disney, đứng sau các đài truyền hình thuộc tập đoàn này sở hữu.
Một ví dụ nổi bật nhất là khu công viên giải trí Disneyland Paris ở Pháp. Lợi nhuận của Disneyland Paris kể từ khi mở cửa ngày 12/4/1992 đến nay đã đạt hơn 700 triệu USD và thu được 85,7 triệu USD chỉ trong năm 2013. Không giống như các công viên ở Florida và California, Disney chỉ sở hữu 39,8% cổ phần tại Euro Disney - công ty mẹ của Disneyland Paris nhưng những lợi nhuận mà Disney thu được từ đây lại không hề nhỏ.
Việc không thuộc sở hữu hoàn toàn của Disney đòi hỏi Euro Disney phải có giấy phép để được sử dụng những nhân vật, hình ảnh cũng như các sản phẩm trí tuệ khác của Disney vào mục đích kinh doanh. Thỏa thuận “có thời hạn 30 năm và có thể được phép gia hạn thêm tới ba lần với thời hạn mười năm theo yêu cầu của một trong hai bên” hoạt động như một cơ chế nhằm ngăn không cho Euro Disney giành quyền quản lý hoàn toàn Disneyland Paris. Lượng du khách càng đông thì lợi nhuận mà Disney thu được từ thỏa thuận trên càng lớn.
Mặc dù giá vé vào cửa của các công viên Disneyland đã tăng chóng mặt trong những năm qua, lên khoảng hơn 100 USD/người lớn tại Mỹ, lượng du khách đến đây vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Được quảng cáo là một trải nghiệm nên thử “một lần trong đời”, các công viên giải trí của Disney liên tục thiết lập những kỷ lục mới về lượng khách tham quan, nhất là trong các kỳ nghỉ lễ ở Mỹ.