Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin bé Rodrigo chào đời hôm 7/10 mà không có mũi, mắt và một phần hộp sọ. Tuy nhiên, các dị tật này chỉ được phát hiện khi bé chào đời tại một bệnh viện ở Setubal, cách Lisbon khoảng 40km về phía Nam.
Hôm 23/10, Hội đồng Y khoa Bồ Đào Nha đã nhất trí bỏ phiếu yêu cầu đình chỉ công tác bác sĩ Artur Carvalho trong vòng 6 tháng. Ngoài cáo buộc trên, kể từ năm 2013 bác sĩ sản khoa còn gặp phải 6 khiếu nại khác chống lại mình.
Cơ quan chức năng đã mở một cuộc điều tra sau khi cha mẹ của bé bị dị tật gửi đơn khiếu nại. Ông Alexandre Valentim Lurenco - Trưởng Hội đồng y tế khu vực phía Nam cho biết nếu bằng chứng rõ ràng về sự tắc trách của bác sĩ Carvalho, họ sẽ đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng.
Trong suốt thai kỳ của mẹ bé Rodrigo, ông Artur Caravalho đã siêu âm cho cô 3 lần và không phát hiện bất kỳ vấn đề bất thường nào. Vào tháng thứ 6 của thai kỳ, đôi vợ chồng này đã được cảnh báo rằng thai nhi có thể gặp bất thường, song vẫn được vị bác sĩ trấn an.
“Ông ấy đã giải thích rằng đôi khi một phần khuôn mặt không nhìn thấy được trên hình ảnh siêu âm vì khuôn mặt của em bé đã áp vào bụng của mẹ”, bà Joana Simao, chị gái của mẹ bé Rodrigo cho biết.
Hiện tại, bé Rodrigo đang được chăm sóc tại bệnh viện nơi bé chào đời.
Trường hợp bác sĩ làm việc cẩu thả gây hậu quả nghiệm trọng không phải hiếm gặp trên thế giới.
Theo hãng thông tấn Yonhap, tháng 9 vừa qua, một thai phụ giấu tên đã đến bệnh viện tại quận Gangseo ở Seoul (Hàn Quốc) để truyền thuốc bổ nhưng kết quả lại bị các bác sĩ phá thai nhầm. Y tá bị nghi ngờ đã tiêm thuốc cho bệnh nhân mà không xác nhận danh tính, trong khi thai phụ không hay biết về quá trình này.
Vị bác sĩ được cho là đã làm thủ thuật phá thai mà không kiểm tra lại tên bệnh nhân. Cảnh sát địa phương cho biệt vụ phá thai nhầm xảy ra do hồ sơ y tế bị lẫn lộn và thai phụ bị nhầm với một bệnh nhân khác bị sảy thai.