Ngày 29/10, Bộ trưởng Tài chính của 50 quốc gia đã nhóm họp tại Berlin (Đức) để ký kết một thỏa thuận mà họ hy vọng sẽ giúp chấm dứt sự tồn tại của luật bảo mật ngân hàng, đồng thời hỗ trợ cho cuộc chiến chống gian lận và trốn thuế trên toàn thế giới.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính các nước tham dự cuộc họp sẽ ký kết Thỏa thuận ủy quyền đa phương, theo đó chỉ định cơ quan tài chính tại mỗi quốc gia có trách nhiệm báo cáo các dữ liệu liên quan đến thuế cho các nước thành viên.
Cuộc họp 2 ngày này, với tên gọi "Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin trong lĩnh vực thuế", do Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble chủ trì dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế châu Âu (OECD) và Liên minh châu Âu (EU).
Trước đây, do quy định của luật bảo mật ngân hàng, những quốc gia mà nền tảng của lĩnh vực tài chính là cơ chế bảo mật ngân hàng như Thụy Sĩ có quyền từ chối công bố các thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng nước ngoài cho các cơ quan thuế ở quốc gia chủ thể. Song, những năm gần đây, việc hủy bỏ luật bảo mật ngân hàng đang được các quốc gia xem xét, đặc biệt là sau khi Mỹ ban hành Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài (FATCA) hồi năm 2010 - trong đó quy định các ngân hàng nước ngoài có nghĩa vụ khai báo cho Sở thuế vụ Hoa Kỳ thông tin tài khoản có trị giá trên 50.000 euro (63.000 USD) của các khách hàng quốc tịch Mỹ. Động thái này của Mỹ đã khuyến khích 5 quốc gia thuộc EU - bao gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha - kêu gọi trao đổi thông tin tài khoản ngân hàng tự động từ năm 2011.
Sau nhiều tháng đàm phán EU đã đi đến Hiệp ước về xóa bỏ bảo mật ngân hàng cách đây 2 tuần, bất chấp một số quốc gia khác như Luxembourg và Áo vẫn còn duy trì luật này. Theo hiệp ước trên, 28 quốc gia thành viên EU cam kết triển khai chương trình trao đổi thông tin tự động giữa các ngân hàng bắt đầu từ năm 2017, ngoại trừ Áo sẽ tham gia từ năm 2018. Đầu tháng 10, Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã quyết định đàm phán với các nước đối tác về vấn đề tự động trao đổi thông tin tài khoản ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc cơ ch ế bảo mật ngân hàng vốn rất nghiêm ngặt ở Thụy Sĩ có thể bị dỡ bỏ vào năm 2018.
Theo ước tính của OECD, lượng tài sản khổng lồ được gửi tại các ngân hàng ngoài nước thoát khỏi sự giám sát của cơ quan thuế trong nước đã tạo ra thách thức không nhỏ với các cơ quan hành pháp ở các quốc gia trên thế giới. Nhà kinh tế học kiêm chuyên gia về chống gian lận tài chính Gabriel Zucman ước tính mỗi năm có khoảng 5,8 nghìn tỷ euro (7,4 nghìn tỷ USD) thất thoát do gian lận thuế, khiến ngân khố các quốc gia trên toàn thế giới thiệt hại khoảng 130 tỷ euro (167 tỷ USD).
TTXVN/Tin tức