Gia đình Hàn Quốc oằn mình với gánh nợ

Ban ngày, ông Lee Sang-Kuk làm nghề giao thịt cho các nhà hàng và lái xe cho những doanh nhân say xỉn vào buổi đêm. Nhưng dù làm một lúc hai nghề, ông vẫn phải vật lộn để trang trải gánh nặng nợ nần cho gia đình.


 

Một chợ “trời” ở Xơun, nơi kiếm sống của những người thu nhập thấp. Ảnh: Internet

 

Tình cảnh của những gia đình như nhà Lee Sang-Kuk đang ngày càng phổ biến tại Hàn Quốc, nơi tổng dư nợ của các hộ đã lên tới mức kỷ lục 937,5 ngàn tỉ won (882,7 tỉ USD) vào tháng 9 năm ngoái, tương đương trên 70% GDP của nước này trong năm 2011.


Mất việc tại một công ty truyền thông hồi năm 2000, ông Lee mở một nhà hàng nhờ một khoản vay ngân hàng thế chấp nhà. Chỉ trong 2 năm, việc kinh doanh thất bại đã buộc ông phải nộp đơn xin phá sản cá nhân. Ông Lee bán nhà để trả nợ, rồi lại vay một khoản khác với lãi suất cao hơn từ chủ nợ tư để trang trải chi phí học hành cho hai đứa con. “Kể từ đó, cuộc đời tôi lâm vào khốn cùng”, người đàn ông 59 tuổi buồn bã nói và cho biết, đã có lúc ông định tự tử vì bế tắc. “Tất cả tiền tôi kiếm được đều để trả nợ, còn vợ tôi thì phải làm ôsin để trang trải chi phí cuộc sống cho gia đình”.


Công việc buổi tối của Lee Sang-Kuk là làm lái xe cho một công ty chuyên cung cấp tài xế ngoài giờ, chủ yếu phục vụ cho những doanh nhân uống rượu quá nhiều và cần người đưa về nhà sau cuộc nhậu bằng chính xe của họ.


Núi nợ gia đình ở Hàn Quốc bắt nguồn từ những cải cách được đề ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, buộc các ngân hàng nước này quay sang cho vay tiêu dùng thay vì cho vay tới các doanh nghiệp. Kết quả là một làn sóng vay thế chấp ồ ạt, được tiếp sức bởi lãi suất thấp và niềm tin rằng bất động sản là một khoản đầu tư bảo đảm.


Kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm kể từ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên tạm kết thúc năm 1953, nhưng trong những năm gần đây, nước này đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm lại. Thị trường bất động sản lao dốc và một nền kinh tế trì trệ đã dẫn đến thất nghiệp tăng, đẩy những gia đình vốn chỉ dựa vào đồng lương vào cảnh bất ổn.


Một số ước tính của chính phủ đã đưa ra con số những người đang có nguy cơ vỡ nợ cao là trên 6 triệu, chiếm trên 10% dân số. Những người có con cái đang ở độ tuổi đi học còn phải chịu thêm gánh nặng chi phí học thêm, vốn được coi là điều kiện không thể thiếu để mỗi học sinh bước được vào giảng đường đại học trong một hệ thống thi cử cạnh tranh gay gắt tại Hàn Quốc.


Theo giáo sư trường Đại học Triều Tiên, Lee Phil-Sang, vấn đề nợ gia đình đang ngày càng xấu đi do tình trạng tăng gánh nặng cả vốn lẫn lãi của những người lao động tự làm chủ, vốn chiếm gần 1/3 lực lượng lao động của cả nước. Trong khi đó, số gia đình thu nhập thấp đang phải vay nợ để trang trải chi phí cuộc sống vẫn tăng đều. “Nợ gia đình giống như bệnh ung thư trong cơ thể chúng ta. Nếu không kiểm soát, nó sẽ trở nên nguy hiểm với nền kinh tế bởi khả năng trả nợ sẽ xấu đi nhanh chóng trong bối cảnh khó khăn kinh tế”, giáo sư Lee nhận định.


Tình trạng nợ gia đình ngày càng nặng nề đang cản trở các nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa và kéo nền kinh tế khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Theo cam kết khi tranh cử về mở rộng phúc lợi xã hội, tân Tổng thống Park Geun-Hye đã đề xuất một quỹ trị giá 18 triệu won (16,9 tỉ USD) nhằm giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho những người thu nhập thấp như ông Lee. Các chính trị gia đối lập và một số chuyên gia cho rằng, một quỹ như vậy ít ra còn hơn là chính sách “ngăn khoảng cách” của người tiền nhiệm và thúc giục bà Park xem xét một giải pháp dài hạn hơn.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN