Nhiều người Séc chọn đi nghỉ ở hồ Lipno thay cho đi du lịch nước ngoài. Ảnh: Trần Quang Vinh- P/v TTXVN tại Séc
|
Theo Thời báo Kinh tế Séc, do tình hình chính trị bất ổn ở một số địa điểm du lịch nổi tiếng như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ mà xu hướng đi du lịch “càng xa càng tốt” tồn tại suốt 25 năm qua không còn hấp dẫn nữa.
Vấn đề an ninh cùng với việc phải chờ đợi hàng giờ vì ùn tắc trên một số tuyến đường cao tốc đi Croatia hay Italy khiến nhiều người dân khu vực Trung và Đông Âu lựa chọn hình thức du lịch trong nước. Mùa Hè năm nay các điểm du lịch nổi tiếng nhất của CH Séc cũng như tại các nước náng giềng luôn đông nghịt khách.
Người dân Trung và Đông Âu thường có xu hướng chọn lựa những địa điểm du lịch ấm áp và có giá rẻ. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây xu hướng tăng giá tại một số địa điểm ở Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp đã khiến người dân trong khu vực cân nhắc về chương trình du lịch Hè của mình.
Từ năm 2015 người dân Trung và Đông Âu đã bắt đầu ưu tiên những địa điểm du lịch gần và an ninh đảm bảo, chẳng hạn như Slovakia hay Croatia. Xu hướng này ngày càng gia tăng trong khu vực.
Theo tuần báo Polityka của Ba Lan, tính đấn cuối tháng 7 năm nay nhu cầu đối với các tour du lịch nước ngoài của người dân nước này giảm 7% so với năm 2016, khoảng 12,6 triệu người Ba Lan có kế hoạch đi du lịch trong nước, tăng 1,8 triệu so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, thống kế của hãng thăm dò dư luận eCall tại Slovakia cũng cho thấy một nửa số người được hỏi cho biết sẽ đi du lịch trong nước.
Xu hướng du lịch trong nước tăng mạnh ở Trung và Đông Âu cho thấy nhiều vấn đề về mặt chính trị. Mặc dù có rất ít người nhập cư và người tị nạn tại các nước trong khu vực nhưng người dân vẫn cảm thấy bị đe dọa. Một số hãng du lịch trong chương trình quảng bá của mình cố gắng nhấn mạnh địa điểm du lịch an toàn nhất chính là ở trong nước.
Các chính trị gia cũng đang lợi dụng yếu tố này. Trả lời phỏng vấn của nhật báo SME, Tổng thống Slovakia Andrej Kiska khẳng định: “Sự sợ hãi chính là cách dễ nhất để giành được sự ủng hộ của số đông”.
Tuyên bố của ông Kiska nhằm vào một số chính trị gia lợi dụng khủng hoảng nhập cư để gia tăng tỉ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề này.
Thăm dò dư luận của hãng Eurobarometer cho thấy, gần 30% người dân châu Âu muốn thay đổi địa điểm du lịch Hè 2016. Điều này sẽ khiến xu hướng du lịch nội địa gia tăng tác động mạnh mẽ hơn về mặt xã hội. Mặt tích cực của xu hướng này là tiền sẽ được giữ lại để đầu tư phát triển kinh tế trong nước, tuy nhiên nó cũng khiến xu hướng “biệt lập” về mặt xã hội - cảm giác bị đe dọa bởi thế giới bên ngoài và việc kêu gọi đóng cửa biên giới gia tăng.
Do đó, xu hướng du lịch trong nước gia tăng, xét ở một khía cạnh nào đó, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước Trung và Đông Âu, nhất là trong việc tận dụng những lợi thế do dòng người nhập cư mang lại như bổ sung nguồn lao động, nhu cầu tiêu dùng tăng...
Một số quốc gia ở châu Âu đã và đang thành công trong việc giúp người nhập cư hòa nhập vào xã hội sở tại và tận dụng được các lợi thế này.