Ngày 30/1, học sinh Ôxtrâylia bắt đầu bước vào năm học mới. Tuy nhiên, hơn 50.000 trẻ em nước này thay vì cắp sách đến trường sẽ học theo hình thức giáo dục tại gia (home - schooling). Theo hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC), điều đáng nói là trong phần lớn các trường hợp tự học tại nhà, các bậc phụ huynh đang làm trái luật.
Ngày càng nhiều người Ôxtrâylia lựa chọn giáo dục tại gia nhưng không chịu đăng ký. |
Tại Ôxtrâylia, cha mẹ bắt buộc phải đưa trẻ từ 6 - 16 tuổi tới trường, hoặc đăng ký dạy dỗ chúng ở nhà. Nhưng thực tế là ngày càng nhiều phụ huynh bỏ qua hệ thống trường học truyền thống. Hàng ngàn phụ huynh cũng phớt lờ đăng ký giáo dục tại gia, đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với án phạt.
Đến nay, chính quyền các bang tại Ôxtrâylia vẫn do dự áp dụng hành động pháp lý để giải quyết tình trạng này. Trong một vụ việc tiêu biểu hồi tháng 10 năm ngoái, một phụ huynh tên là Bob Osmark ở bang Queensland đã bị khởi tố vì tội giáo dục tại gia cho con gái 13 tuổi của ông ta nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng. Ông Bob bị kết tội và chịu phạt 300 AUD. Phát biểu với ABC, ông Bob cho biết ông ta từ chối đăng ký với Phòng Giáo dục tại gia bang Queensland vì cho rằng giáo dục là quyền của cha mẹ.
Suốt thập kỷ qua, hình thức giáo dục tại gia đã bùng nổ ở Ôxtrâylia nhờ sự phát triển của Internet và các giáo trình điện tử. Theo số liệu của Phòng Giáo dục tại gia bang Queensland, năm 2012, có 942 trẻ em được cha mẹ đăng ký tự học ở nhà. Tuy nhiên, một số người cho rằng số trẻ ở Queensland học “chui” ở nhà lên tới con số 10.000.
Tại một cuộc gặp mặt của các phụ huynh lựa chọn giáo dục tại gia ở thành phố Brisbane – thủ phủ bang Queensland, một bà mẹ tên là Cindy cho biết, chị sẽ tự dạy con tại nhà nhưng lại ngại những thủ tục giấy tờ. Bà nói: “Tôi không định đăng ký. Tôi không coi dạy con học là một việc quan trọng mà mình phải làm”.
Bà Cindy chỉ là một trong số rất nhiều phụ huynh lựa chọn hình thức giáo dục tại gia cho con cái, nhưng sự kín đáo và tâm lý ngờ vực của họ đã gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu khi muốn đưa ra những đánh giá xem giáo dục tại gia có tạo ra một nền giáo dục tốt hơn hay tệ hơn. Glenda Jackson, người đã lấy được bằng tiến sĩ trường Đại học tổng hợp Monas nhờ con đường học tại gia, cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các bậc phụ huynh mất lòng tin và mọi người thường hoài nghi khi có người đến điều tra về giáo dục tại gia.
Gần đây, Ủy ban tư vấn giáo dục tại gia bang Tasmania đã tiến hành cuộc khảo sát đối với 600 bậc cha mẹ để tìm hiểu lý do họ đăng ký hình thức giáo dục tại gia. Kết quả, 17% số người tham gia cho biết, lý do chính là tôn giáo, gần một nửa lấy các lý do tinh thần, 27% không hài lòng với các trường học địa phương và 7% cho biết con cái họ cần sự trợ giúp đặc biệt. Sở giáo dục bang Queensland cũng tiến hành một cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2002 với kết quả, 20% các bậc cha mẹ lấy lý do chính là tôn giáo, 21% không tin tưởng vào nền giáo dục địa phương.
Trong khi đó, tại Mỹ, Rob Reich, nhà xã hội học thuộc trường Đại học Stanford, cho rằng lý do chủ yếu khiến các phụ huynh lựa chọn phương pháp giáo dục tại gia là thiếu tin tưởng vào chính quyền. Ông nói: “Tôi biết rất nhiều người học tại gia dù trường công lập nằm ngay bên cạnh nhà họ. Đơn giản là vì họ muốn phản đối những nguyên tắc mà chính quyền áp đặt lên con cái mình”.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, thách thức lớn đối với các nhà quản lý giáo dục hiện tại ở Ôxtrâylia chính là thuyết phục các bậc phụ huynh chấp nhận một số cách thức giám sát môi trường giáo dục tại gia của con em họ. Hanne Worsoe, giám đốc điều hành Cơ quan phụ trách Giáo dục tại gia bang Queensland, nói: “Những tiêu chuẩn về giáo dục được đặt ra đều có lý do và chúng nhằm vào bọn trẻ chứ không phải vào các bậc cha mẹ và những ý tưởng của họ”.
Võ Giang (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia) - Thu Hằng