Hy Lạp trình đề xuất mới trước hạn chót

Rạng sáng 10/7 (giờ Hà Nội), Chính phủ Hy Lạp đã trình kế hoạch cải cách kinh tế, mở ra hy vọng đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới theo hạn chót vào ngày mai, 12/7.

Bản đề xuất dài 13 trang do Athens đệ trình thỏa mãn hầu hết yêu cầu mà các chủ nợ đặt ra trước đó. Để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba trị giá 59 tỉ USD và vẫn ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chính phủ Hy Lạp đồng ý thực hiện một loạt những cải cách kinh tế, cắt giảm đầu tư công.

Người dân Hy Lạp tuần hành ủng hộ kế hoạch cải cách tại thủ đô Athens. Ảnh: AFP/TTXVN


Bản kế hoạch được Quốc hội Hy Lạp phê chuẩn sau khi các bộ trưởng thừa nhận rằng Athens không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp thuận các yêu cầu chủ nợ, khi mà nền kinh tế đang ở tình trạng nguy cấp. Truyền thông Hy Lạp dẫn lời Thủ tướng Alexis Tsipras nói: "Chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp".

Điểm trọng tâm của kế hoạch này là cam kết cắt giảm tới 13 tỉ USD thâm hụt ngân sách, thông qua cắt giảm chi tiêu, tăng nguồn thu từ thuế. Cụ thể, huế VAT sẽ được nâng lên 23%, các ưu đãi thuế đối với các đảo nhỏ - thường là những khu vực có mức thu nhập cao hơn bình quân cả nước nhờ thế mạnh du lịch, sẽ bị bãi bỏ. Thuế thu nhập cá nhân tăng từ 11% lên 15% đối với các đối tượng có mức thu nhập dưới 12.000 euro/năm và lên đến 35% đối với người có mức thu nhập từ 12.000 euro trở lên. Ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm 300 triệu USD trong vòng hai năm tới. Cùng với đó, Athens cũng đồng ý sẽ bán bớt cổ phần tại các công ty do nhà nước quản lý, như Tập đoàn viễn thông OTE, đặt ra thời gian biểu cho việc tư nhân hóa cảng Piraeus và Thessaloniki.

Những đề xuất mới này sẽ được bộ ba chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) xem xét trong ngày hôm nay, 11/7, trước khi được đem ra thảo luận tại cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước Eurozone diễn ra cùng ngày. 28 nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng tại phiên họp khẩn sau đó một ngày.

EU đã có những phản ứng đầu tiên trước kế hoạch mới của Athens. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 10/7 nói rằng, Hy Lạp đã cho thấy quyết tâm ở lại Eurozone, vì những đề xuất đưa ra là rất “nghiêm túc và đáng tin”. Bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron thì bình luận hoàn toàn có triển vọng để đạt được một thỏa thuận tránh việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone do mức độ của gói cải cách thỏa mãn những đòi hỏi mà EU đưa ra trước đó.

Hiện chỉ còn điểm khúc mắc liên quan đến hình thức xử lý các khoản nợ. Cùng với việc được tiếp cận khoản vay 59 tỉ USD trong vòng 3 năm tới, chính phủ của Thủ tướng Alexei Tsipras còn đề nghị các chủ nợ xem xét thực thi các giải pháp giúp tái cấu trúc nợ về mặt dài hạn. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhìn nhận đây là việc làm cần thiết, kể cả là xóa một phần nợ. Tuy nhiên Đức – nước đầu tàu EU thì vẫn tỏ ra cứng rắn. Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ khả năng xóa nợ cho Hy Lạp, tuy bà không loại trừ các biện pháp giảm nợ khác như hạ lãi suất cho vay, gia hạn thời gian trả nợ. Bộ trưởng Tài chính nước này Wolfgang Schauble nói rằng, vấn đề xóa nợ sẽ được thảo luận trong các cuộc gặp gặp của lãnh đạo EU và nhóm Eurozone, nhưng cơ hội cho việc tái cấu trúc nợ là “rất nhỏ”.

Hy Lạp đã nhận được tổng số 240 tỉ euro trong 5 năm qua từ hai gói cứu trợ đã hết hạn vào hôm 30/6. Chính phủ nước này đã không thể trả khoản lãi vay 1,6 tỉ USD cho IMF hôm 1/7. Giới phân tích nhận định, hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ phá sản chỉ trong tuần sau, nếu như Athens không nhận được gói cứu trợ mới.

Từ 13h00 ngày 10/7 theo giờ địa phương (18h00 cùng ngày ở Việt Nam), bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Uỷ ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tiến hành thảo luận trực tuyến, phân tích về các đề xuất cải cách mới của chính phủ Hy Lạp.

Theo một quan chức giấu tên trong Eurozone, trong trường hợp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone nhất trí với các đề xuất cải cách của Athens, nhiều khả năng sẽ không cần tiến hành thêm Hội nghị thượng đỉnh 19 nước Eurozone trong ngày 12/7. Tuy nhiên, quan chức này không đề cập tới Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 12/7 để thảo luận về vấn đề Hy Lạp.


Hoài Thanh
 Hy Lạp đệ trình kế hoạch cải cách đổi lấy cứu trợ
Hy Lạp đệ trình kế hoạch cải cách đổi lấy cứu trợ

Hy Lạp đã đệ trình lên các chủ nợ một kế hoạch cứu trợ mới, đề xuất cải cách tiền trợ cấp cũng như tăng thuế để đổi lấy sự nới lỏng về nợ và khoản vay thời hạn 3 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN