Điều này khiến các nhà bảo vệ môi trường thêm lo ngại về vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đe dọa các loài sinh vật ở địa dương.
Xác con cá voi dài 9,5 mét này được tìm thấy ở khu bảo tồn Wakatobi thuộc tỉnh Sulawesi, Đông Nam Indonesia, từ ngày 19/11.
Ông Dwi Suprapti, điều phối viên bảo tồn sinh vật biển của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Indonesia, cho biết mặc dù chưa thể khẳng định nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của chú cá voi, nhưng có những dấu hiệu cho thấy “chất thải nhựa là thủ phạm chính”.
Khu bảo tồn biển Wakatobi là nơi tuyệt đẹp gồm 4 hòn đảo chính. Chính quyền địa phương đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ giải quyết vấn đề rác thải biển. Indonesia là nước ô nhiễm nhựa thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Ước tính, hằng năm có khoảng 1,29 triệu tấn rác thải trôi ra biển. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng tới mức các quan chức Indonesia đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp về rác thải” vào hồi năm ngoái, sau khi một bãi biển dài 6 km dọc theo đảo Bali ngập trong rác.
Indonesia cam kết sẽ cắt giảm 70% lượng rác thải nhựa ra biển tới năm 2025. Kế hoạch bao gồm phát triển các dịch vụ tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon, phát động chiến dịch làm sạch biển và nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân và khách du lịch.
Túi nilon là một trong những loại rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và mất nhiều năm để phân hủy. Gần đây, cộng đồng quốc tế đã quan tâm hơn tới các vấn đề môi trường liên quan đến các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Năm 2017, Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết không có tính chất bắt buộc yêu cầu ngăn để rác thải nhựa bị vứt ra các đại dương. Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương - nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ.
Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Các nhà khoa học ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng Trái Đất, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm lượng rác thải nhựa khổng lồ như cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần, đánh thuế đồ nhựa,... song song với các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân và đầu tư vào nghiên cứu các phương pháp xử lý rác thải nhựa.