Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu có hàng triệu lao động và trị giá hàng nghìn tỷ USD. Nhưng ngành công nghiệp này cũng chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu và phát sinh ô nhiễm cùng chất thải. Tại Mỹ, chỉ 15% hàng dệt may được tái chế, phần còn lại được đốt hoặc đưa đến bãi rác.
Đó là lý do tại sao một công ty khởi nghiệp của Israel đang tạo ra loại vải dệt có thể phân hủy sinh học, không độc hại và năng lượng thấp với thành phần chính từ tảo.
Renana Krebs, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Algaeing, cho biết công thức tảo biển của doanh nghiệp này có thể được sử dụng để tạo ra sợi tự nhiên và thuốc nhuộm, tiêu tốn ít nước hơn các sản phẩm thông thường và không tạo ra chất thải cũng như ô nhiễm.
Tảo, bao gồm rong biển, đã được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác như thực phẩm, dược phẩm và thậm chí cả nhiên liệu sinh học…
Bà Krebs cũng nhìn thấy cơ hội để ứng dụng tảo vào hàng dệt may. Làm việc trong ngành thời trang 15 năm, bà đã tận mắt chứng kiến sự ô nhiễm và rác thải xuất phát từ ngành này. Sau khi nghỉ việc vào năm 2014, bà thành lập Algaeing vào năm 2016.
Tảo được cung cấp bởi một công ty khác của Israel có tên Algatech. Tảo được trồng trong nước biển tại các "trang trại thẳng đứng" chạy bằng năng lượng Mặt Trời. Điều này có nghĩa là không giống như bông, tảo không chiếm đất nông nghiệp và không thải ra khí thải carbon liên quan đến việc sử dụng phân bón.
Algaeing chuyển đổi tảo thành chất lỏng có thể được sử dụng làm thuốc nhuộm hoặc biến thành sợi dệt khi kết hợp với cellulose, một loại sợi thực vật, mà các nhà sản xuất quần áo có thể tự gia công bằng công thức độc quyền của Algaeing.
Bà Krebs cho biết trọng tâm của Algaeing là thay đổi chuỗi cung ứng và công ty đang chuẩn bị cho việc ra mắt thương mại công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của mình vào năm 2022.
Các doanh nghiệp khác cũng đang nhìn thấy tiềm năng của tảo trong ngành dệt may. Thương hiệu quần áo nam Vollebak đã cho ra đời chiếc áo phông có thể phân hủy sinh học được làm từ bột gỗ dẻ gai, bạch đàn và tảo. Chiếc áo này có thể được chôn trong vườn và phân hủy thành "thức ăn cho giun" trong 12 tuần.
Bà Krebs dẫn ước tính của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết để sản xuất bông làm một chiếc áo phông bình thường cần 2.700 lít nước, tương đương với số nước một người uống trong 2 năm. Tuy nhiên, sợi từ tảo biển của Algaeing lại chỉ cần 20% mức nước đó.
Ngoài ra, những lao động trong ngành sản xuất vải thường phải tiếp xúc với chất hóa học nguy hiểm. Tuy nhiên, chất nhuộm từ tảo là không độc hại và không gây dị ứng. Ở thời điểm này, sợi từ tảo biển đắt hơn sợi thông thường như cotton nhưng và Krebs cho biết đây là sản phẩm bền vững.
Trong khi Algaeing ban đầu tập trung vào việc tạo các loại vải thời trang, đại dịch COVID-19 lại thay đổi con đường này. Năm 2020, Algaeing bắt đầu hợp tác với Avgol, một nhà sản xuất chuyên về các sản phẩm vệ sinh, y tế và PPE.
Bà Krebs nói rằng đại dịch đã cho các doanh nghiệp và thương hiệu thấy rằng việc thích ứng với những thách thức mới là yếu tố sống còn. Trong khi thách thức gần đây là COVID-19 thì thách thức lớn hơn, lâu dài hơn là biến đổi khí hậu. Và bà hy vọng Algaeing có thể tạo ra sự khác biệt.