Kem Đông y gây sốt tại Trung Quốc

Một cửa hàng kem Thượng Hải gần đây đã trở thành hiện tượng thu hút giới trẻ với sản phẩm độc đáo: các loại kem có chứa vị thuốc Đông y.

Chú thích ảnh
Kem vị thuốc Đông y tại Thượng Hải. Ảnh: Global Times

Tờ Global Times (Trung Quốc) đưa tin, cửa hàng này chinh phục khách hàng với 16 vị kem, bao gồm bạc hà, dưa hấu, hoa cúc dại và hạt dẻ cười, mận hun khói, tre và hoa nhài, táo gai và cam bergamot… với mức giá nhân dân tệ (131.400 đồng) cho 120 gram và 45 nhân dân tệ (155.500 đồng) cho 150 gram. Khách hàng cũng có thể yêu cầu các loại phủ lên kem gồm thành phần cao cấp như nhân sâm (12 nhân dân tệ) và đông trùng hạ thảo với giá 18 nhân dân tệ. Ngoài ra, cửa hàng còn bán trà thảo mộc với mức giá trung bình khoảng 20 nhân dân tệ.

Những sản phẩm này sử dụng kem làm thành phần chính, với một lượng nhỏ thành phần thảo dược được bổ sung để tăng hương vị. Sự kết mới độc đáo này dựa trên nguyên tắc y học cổ truyền Trung Quốc rằng "thực phẩm và thuốc có cùng nguồn gốc".

Kem Đông y đã gây sốt trên mạng xã hội, thu hút hơn 50 triệu lượt xem và 10.000 bình luận trên Sina Weibo.

Loại kem này nằm trong xu thế gần đây tại Trung Quốc khi thuốc Đông y được đưa vào thực phẩm hiện đại, trong bối cảnh thế hệ trẻ ngày càng coi trọng sức khỏe. Theo Tân Hoa Xã, năm 2021, những người trong độ tuổi từ 18 đến 35 dẫn đầu xu hướng chi tiêu cho sức khỏe, chiếm 83,7% thị trường. Thuốc Đông y đang tạo dấu ấn của mình trong thế giới ẩm thực.

Một bệnh viện ở thành phố Trùng Khánh đã sản xuất trà sữa, bánh ngọt và kẹo tẩm thảo dược. Tại Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), có một quán cà phê đang kinh doanh nhiều loại cà phê thảo dược. Một bệnh viện ở Thiên Tân, Bắc Trung Quốc thậm chí đã mở tiệm bánh chuyên bán các loại bánh mì nướng lá sen và bánh mì mềm ejiao (cao da lừa) …

Bác sĩ khoa Y học cổ truyền tại một bệnh viện ở Quảng Châu - bà Yi Lan - nhận định với tờ Global Times rằng trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã chú trọng đáng kể vào phát triển ngành y học cổ truyền, đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khác nhau để hỗ trợ đổi mới và tăng trưởng của ngành.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người muốn khám phá trải nghiệm mới và độc đáo. Ví dụ, suanmeitang (nước mận chua) đã thịnh hành từ hè năm 2023. Theo truyền thống, suanmeitang được pha chế với táo gai, cam thảo và đường phèn. Thức uống truyền thống này nổi tiếng với hương vị thơm ngon và làm giảm kiệt sức vì nóng, kích thích thèm ăn.

Trên mạng xã hội, nhiều người dùng đã đăng video về trải nghiệm mua suanmeitang tại các cửa hàng thuốc Đông y. Một video của người dùng Douyin cho biết một gói suanmeitang chỉ có giá 4,5 nhân dân tệ (15.500 đồng). Thành phần bao gồm mận khô, vỏ quýt khô, hoa mộc tê, táo gai, dâu tằm và đường phèn. Theo video, các cửa hàng thậm chí có thể pha chế tại chỗ cho người tiêu dùng.

Mặc dù thuốc Đông y thường được uống nóng, một số người dùng thêm đá khi thưởng thức suanmeitang và nói rằng nó tạo ra một thức uống giải khát ngon miệng, giá cả phải chăng và lành mạnh hơn nhiều so với trà sữa.

Tuy nhiên, do hàm lượng axit hữu cơ cao trong suanmeitang, thức uống này không phù hợp cho trẻ em vì niêm mạc dạ dày của trẻ tương đối mỏng. Người lớn cũng nên tránh uống khi bụng đói hoặc uống với số lượng lớn. Ngoài ra, nước mận chua có hàm lượng đường cao nên không được khuyến khích cho người bị tiểu đường. Những người bị cảm lạnh hoặc sốt, ho có đờm, cảm giác tức ngực cũng nên tránh uống suanmeitang vì nó có thể làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Global Times)
Kinh tế Trung Quốc duy trì động lực tăng trưởng mạnh
Kinh tế Trung Quốc duy trì động lực tăng trưởng mạnh

Theo số liệu công bố ngày 15/8 của Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), kinh tế nước này cho thấy động lực tăng trưởng mạnh hơn trong tháng 7/2024, dù đối mặt với những rủi ro, khi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng được đẩy mạnh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN