Phát hiện trên đã được một nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố trên tạp chí Proceedings of Royal Society B số ra ngày 23/1.
Mỗi năm, một đàn kiến xén lá có thể đào gần 3 km đường mòn trên nền đất rừng, và mất trung bình gần 11.000 giờ cho việc xây dựng và bảo quản con đường này.
Loài kiến xén lá có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ lâu nay được cho là "nhà thiết kế" những công trình đồ sộ bằng cách liên lạc với nhau để phân công nhiệm vụ như di dời chướng ngại vật hay tìm và vận chuyển lá cây.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã có những khám phá kinh ngạc khi tiến hành nghiên cứu về hành vi của loài kiến xén lá, một trong những "kiến trúc sư" tài ba nhất trong tự nhiên.
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy loài kiến này thay vì truyền đạt nhiệm vụ cho từng cá thể trong kế hoạch, dường như có thể điều hành các dự án xây dựng công trình quy mô lớn mà không có bất kỳ sự phối hợp nào.
Nói cách khác, mỗi con kiến có thể tự làm việc độc lập, tự giải quyết những vấn đề như di dời vật cản mà chúng gặp trên đường.
Ông Thomas Bochynek thuộc khoa Cơ khí điện tử và Khoa học vi tính thuộc Đại học Northwestern, Mỹ, tham gia nghiên cứu này, nói: "Mặc dù có vài nghìn con kiến góp công sức xây dựng, song chúng không hề trao đổi gì với nhau. Những công việc mà các con kiến lúc trước để lại sẽ được các con kiến sau này tự hoàn thành nốt. Điều này thật đáng kinh ngạc, bởi các hành vi mang tính hợp tác cần tới phương thức giao tiếp với nhau".
Ông Bochnynek hy vọng các nghiên cứu sâu hơn sẽ được thực hiện về cách thức các loài côn trùng sử dụng năng lượng tối đa và tiến hành hoạt động xây dựng quy mô lớn mà không có bất kỳ sự chỉ dẫn nào cả.