Ông Sivaiah, nông dân tại ngôi làng Chintapalle (miền nam bang Andhra Pradesh, Ấn Độ), mãn nguyện khi nhìn những chú cò nhạn bay theo hình vòng cung trên trời. Đó là dấu hiệu cơn mưa đang đến gần và ông đã có thể mang dụng cụ nhà nông ra để chuẩn bị cho mùa gieo hạt mới.
”Chuồn chuồn bay thấp thì mưa”. |
Trong khi đó, vợ của ông Sivaiah thông báo đường và muối ăn trong nhà đều bị ẩm. Một vài người hàng xóm thì nói rằng họ nhìn thấy sét trên bầu trời ở phía đông bắc. Người đứng đầu ngôi làng bắt đầu kiểm tra quả phượng. Nếu hạt cây phát triển đều thì có nghĩa lượng mưa sẽ đồng đều trong mùa gieo hạt. Ngay lập tức, cả ngôi làng xôn xao câu chuyện về những cơn mưa sắp đến.
Các phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày nay cho phép dự báo mưa với độ chính xác cao và tin cậy. Tuy nhiên, nông dân Ấn Độ vẫn luôn ưa chuộng cách dự đoán mưa theo kinh nghiệm dân gian. Chương trình dự báo thời tiết quốc gia thường không thu hút được sự chú ý của người nông dân do chỉ dự đoán chung chung cả khu vực, trong khi họ muốn biết chính xác thời tiết tại ngôi làng nơi họ sinh sống. Bởi vậy, những kinh nghiệm “cha truyền con nối” dự báo thời tiết từ quan sát thiên nhiên càng được áp dụng triệt để.
Kinh nghiệm dân gian trong dự báo thời tiết đã gây ra một “cơn bão nhỏ” trong giới khoa học Ấn Độ. Và những thứ trong vài thập kỷ trước đây chỉ đơn thuần được cho là những phong tục cổ hủ nay trở thành “điểm mới” được giới khoa học xem xét kỹ lưỡng.
Nhà khoa học K Ravi Shankar, người rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khuyến nông và chuyển giao công nghệ, đã dành 3 năm nghiên cứu tại các ngôi làng ở Anantapur, Vishakapatnam và Ranga Reddy thuộc bang Andhra Pradesh. Ông Shankar đi từ nhà này qua nhà khác, trò chuyện cùng các bô lão - những người đã nhiệt tình chia sẻ với ông các kinh nghiệm dân gian sâu xa. Chỉ riêng tại Andhra Pradesh, ông Shankar đã thu thập được 24 kinh nghiệm dự báo mưa từ các hiện tượng sinh học (từ quan sát côn trùng, cây cối, động vật...) và 42 kinh nghiệm từ các hiện tượng tự nhiên (mây, gió, sấm chớp...).
Những kinh nghiệm dân gian luôn được nhắc đến trong dự báo mưa là các chú công nhảy múa, chuồn chuồn bay thành đàn hàng giờ, những chú sâu róm vội vã tìm nơi trú ngụ... Độ cao của tổ chim sâu cũng là một kinh nghiệm thú vị. Nếu tổ chim sâu ở vị trí cao thì lượng mưa thường dồi dào và ngược lại.
Theo chuyên gia côn trùng học D Jagadeeswar Reddy, theo dõi chuyển động của côn trùng, chẳng hạn như kiến di chuyển thành đàn và mang theo cả trứng hay sự tăng số lượng các con mối trên cây, là kinh nghiệm dự báo chính xác lượng mưa. Lý do là các loài động vật có thể cảm nhận được sự thay đổi của luồng gió, độ ẩm và áp suất không khí, khiến hành vi của chúng cũng biến chuyển theo.
Khi độ ẩm tăng cao, các chú dê cảm thấy khó chịu và thường vẫy tai, các chú cừu rúc vào nhau và loài cú thường kêu lên bồn chồn. Trong khi đó, những chú ếch sẽ nhảy ra khỏi hốc đá và cất tiếng ộp ộp khi áp suất không khí thay đổi.
Thực vật cũng có cách dự đoán mưa của riêng mình. Các nhà nghiên cứu cho biết sự đổi thay của cây cối cũng là một kinh nghiệm dự đoán thời tiết chính xác. Khi hoa muồng bắt đầu nở rộ thì chính xác 45 ngày sau đó sẽ có mưa, và khi cây neem (xoan Ấn Độ) nở hoa thì mưa to sẽ tới.
Trong những năm qua, tình hình khí hậu diễn biến thất thường với sự thay đổi mạnh mẽ của các mùa, những cơn mưa ngày càng trở nên khó dự đoán. Những biến đổi này nhiều khi khiến cả giới động thực vật “bối rối” trong việc tìm cách thích nghi với loại hình thời tiết mới. Vậy nên, phương pháp dự báo thời tiết kết hợp giữa dân gian truyền thống với khoa học hiện đại sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn - giới chuyên môn kết luận.
Hà Linh