Cứ một năm hai lần, các đợt giảm giá hàng tiêu dùng vào tháng Một và tháng Bảy đều thu hút sự chú ý không chỉ của đa số gia đình người Italy mà còn của cả du khách nước ngoài đến đất nước vốn nổi tiếng về thời trang, phụ kiện và các loại đặc sản ẩm thực. Nguyên tắc số một là luôn phải giữ hóa đơn mua hàng để có thể đổi trả một sản phẩm kém chất lượng. |
Tuy nhiên, theo các hiệp hội người tiêu dùng tại Italy, đây cũng là mùa làm ăn của gian thương. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu thường được tuồn ra thị trường vào đúng dịp người tiêu dùng đang có tâm lý dễ dàng hơn khi chi tiêu.
Trước những nguy cơ này, các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Italy đã đúc kết một số những kinh nghiệm mua sắm vào mùa giảm giá; giúp người tiêu dùng trở nên sáng suốt hơn.
Theo đó, nguyên tắc số một đó là luôn phải giữ hóa đơn mua hàng để có thể đổi trả một sản phẩm kém chất lượng. Người tiêu dùng cần biết rằng theo quy định pháp luật Italy, nếu bên bán hàng không thể đổi một sản phẩm ưng ý, bên bán sẽ phải hoàn lại tiền.
Điều quan trọng nhất, người tiêu dùng có thời hạn hai tháng để khiếu nại chứ không phải 7 hoặc 8 ngày như các cửa hàng vẫn thông báo.
Khách hàng nên chú ý rằng những sản phẩm được giảm giá phải thực sự là những sản phẩm "cuối mùa"; do vậy, các món đồ này hạn chế về cả số lượng lẫn kích cỡ hay màu sắc. Khuyến cáo được đưa ra đó là hãy cẩn thận khi thấy các món đồ "cuối mùa" lại liên tục được bày thêm trên các kệ hàng.
Trước khi các đợt giảm giá diễn ra, người tiêu dùng nên tranh thủ đảo qua các cửa hàng và ghi lại giá niêm yết của các mặt hàng mà mình quan tâm. Thói quen nhỏ này sẽ giúp người tiêu dùng xác định được số tiền được giảm; đồng thời, tiết kiệm thời gian để tìm thấy món đồ trong cửa hàng trong những ngày giảm giá vốn luôn đông đúc.
Kinh nghiệm quý báu là không nên dừng lại mua sắm ở cửa hàng giảm giá đầu tiên mình gặp mà phải tỉnh táo để so sánh mức giá mà các cửa hàng đưa ra.
Kể cả khi đã cầm được một món hàng thì trước khi trả tiền, điều nhất thiết nên làm là xem kỹ tất cả các thông tin về sản phẩm có trên nhãn mác để xem số tiền mình chi ra có hợp lý hay không. "Trả giá cao không phải bao giờ cũng có nghĩa là khách hàng sẽ có một sản phẩm tốt".
Theo các nhà kinh tế, hãy cẩn trọng đối với những sản phẩm giảm giá trên 50%; thông thường, tỷ lệ giảm giá 40% được coi là hợp lý và an toàn nhất cho tất cả các mặt hàng.
Trong một số trường hợp, người bán hàng cố tình tăng mức giá niêm yết cũ để làm "ảo thuật" về tỷ lệ giảm giá. Nếu mặt hàng đã bị cắt hoặc xóa bỏ thương hiệu, bên bán hàng buộc phải chấp nhận bán với giá lỗ.
Ngay cả trong các đợt giảm giá, người tiêu dùng vẫn nên mua sắm ở các cửa hàng quen hoặc có uy tín cao để tránh rủi ro hoặc tranh chấp.
Nếu mua sắm ở một cửa hàng lạ, người tiêu dùng cần cẩn trọng với những cửa hàng không niêm yết giá rõ ràng, kể cả giá cũ, giá đã giảm và tỷ lệ giảm giá; hay khi hàng giảm giá không được để ở khu vực riêng, tách biệt với hàng không giảm giá. Nếu cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng các loại thẻ tín dụng hoặc ngân hàng, khách hàng sẽ không phải chịu thêm bất cứ khoản phí nào.
Điều cuối cùng, nếu tranh chấp xảy ra và không thể thương lượng, người tiêu dùng hãy đừng ngần ngại liên hệ với hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc cảnh sát nơi gần nhất. Không phải ai cũng biết rằng, "Guarda di Finanza" của đất nước hình chiếc ủng vốn luôn được coi là lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp nhất thế giới trong các vấn đề về tài chính, thương mại.
Quang Thanh(P/v TTXVN tại Italy)