Với vai trò là lĩnh vực dịch vụ liên quan tới nhiều ngành nghề, từ sản xuất, kho vận đến giao thông thì triển vọng của logistics thế giới rất hứa hẹn. Hiện tại, Nhật Bản và Singapore được coi là hai trong những quốc gia có trình độ phát triển logistics hàng đầu thế giới.
Điểm nổi bật của ngành logistics Nhật Bản là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất hiện đại, đặc biệt là hệ thống cầu vượt biển để liên kết các đảo. Song yếu tố chính giúp ngành logistics của Nhật Bản phát triển mạnh là vai trò lãnh đạo, định hướng và thực thi quan trọng của chính phủ.
Giới chức Nhật Bản đã sớm chú trọng phát triển dịch vụ logistics bằng cách đề ra kế hoạch phát triển các bãi kho vận, hậu cần và các thiết bị hậu cần, Nhật Bản đã lựa chọn những vị trí thích hợp ở gần các khu liền kề thành phố, bên cạnh các tuyến giao thông nội bộ và các đường giao thông huyết mạch chính nối liền các thành phố lớn để xây dựng hệ thống kho vận, hậu cần.
Vốn đầu tư vào logistics ở Singapore vẫn tiếp tục tăng. |
Chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ về vai trò của logistics đối với sự phát triển của đất nước cũng như nhận thức đầy đủ thế mạnh, cơ hội và thách thức đối với hệ thống logistics quốc gia. Những thế mạnh nổi bật của hệ thống logistics của Nhật Bản là kết cấu hạ tầng hiện đại hàng đầu thế giới; khả năng kết nối trong toàn bộ hệ thống cả về vật chất, thông tin và tiền tệ là hoàn hảo; lực lượng lao động được đào tạo ở trình độ cao về kiến thức, kỹ năng và khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo.
Trong khi đó, một quốc gia khác cũng đạt được nhiều thành tựu trong phát triển ngành logistics là Singapore hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics toàn cầu. Chính phủ Singapore đặt ra mục tiêu chiến lược đối với hệ thống logistics quốc gia là phát triển nước này trở thành trung tâm logistics tích hợp hàng đầu thế giới, với nãng lực cao về vận tải hàng hải, hàng không và đường bộ.
Bên cạnh các cam kết của chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực vận tải biển và logistics, chính phủ Singapore cũng khuyến khích các công ty kinh doanh dịch vụ logistics sử dụng dịch vụ cho vay của nước này để thuê mua tàu biển và container.
Một điểm đáng chú ý là chính phủ Singapore khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các hãng nước ngoài để thiết lập hệ thống logistics toàn cầu, các công ty đa quốc gia và các nhà cung ứng dịch vụ logistics quốc tế đặt trụ sở tại nước mình... Singapore cũng thực thi một chính sách "cởi mở" đối với quyền sở hữu kinh doanh nước ngoài trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh.
Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng logistics quan trọng, quy mô lớn, hệ thống đường cao tốc, trung tâm logistics hàng không... Đồng thời, Singapore cũng đầu tư mạnh về công nghệ thông tin thông qua việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm tự động hóa hệ thống trao đổi thông tin thương mại và pháp luật, giúp giảm các chi phí liên quan đến thông tin trong các hoạt động logistics, đồng thời tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao.
Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng kéo dài nhưng vốn đầu tư vào logistics ở Singapore vẫn tiếp tục tăng. Không chỉ các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới coi Singapore là điểm tiếp cận thị trường châu Á mà nước này còn được các doanh nghiệp logistics châu Á chọn là "bàn đạp" hướng ra thị trường thế giới.
Logistics là một lĩnh vực dịch vụ liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực, từ sản xuất, thương mại đến giao thông nên cần có chủ trương của chính phủ, từ đó xây dựng khung pháp lý đồng bộ nhằm gắn kết, thống nhất hoạt động quản lý và phối hợp các ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình và mục tiêu trọng điểm, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics.