Tôi đã có thể đến Paris ngay trong những ngày đầu tiên của hè này trên mảnh đất tôi luôn ngưỡng mộ. Nhưng tôi không chọn lộ trình ấy. Tháp Eiffel, nơi tôi đã leo lên một lần cách đây nhiều năm, có thể chờ, bởi tháp Metallique, một tháp cao giống hệt Eiffel, và Nhà thờ Đức bà Fourviere ở Lyon đã quyến rũ tôi trước, và tôi đến đó, nơi tất cả những bạn bè người Pháp tôi quen, đều bảo một người lãng mạn, thích lang thang và mê ăn ngon như tôi nên đến Lyon.
Một quán “bouchon” đặc trưng ở Lyon. |
Lyon không phải Paris, đương nhiên rồi. Thành phố đó ít du khách hơn, ít ầm ĩ hơn. Một người bạn Pháp thậm chí bảo Lyon rất đặc biệt. Nó không cần người khác khám phá bản thân, và những ai đến đây hoàn toàn có thể tự do lựa chọn yêu nó hay ghét. Người Lyon thì thích đồ ăn đặc trưng ở nơi này. Họ có thể ăn và nói về đồ ăn cả ngày, và cũng không quan tâm đến người khác nghĩ gì. Đơn giản là họ ăn và yêu đồ ăn của chính mình.
Tôi không nghĩ theo cách cực đoan ấy khi ngồi ăn đĩa gan bê tái trong một “bouchon”. Đấy là một quán cổ, rất đông khách. Cuộc sống trôi đi chầm chậm, yên bình và sinh động trong một nơi mà người ta ăn, uống, hưởng thụ và chìm đắm trong một bầu không khí đúng kiểu Lyon: Mùi đồ ăn bốc lên thơm nức mũi ở khắp ngõ ngách của nơi này.
Ở thành phố được coi là thủ đô ăn uống của thế giới, ta có thể ăn những gì tinh túy nhất, với các món được chế biến một cách sáng tạo gợi bao thèm thuồng từ nội tạng, đầu và đuôi của các động vật như lợn, gà hay bê. Sức quyến rũ có thể đến từ những miếng phomát Saint Marcellin, những lát đùi thịt lợn muối, món súp rau nổi tiếng Ratatouille cho đến những đĩa gan bê như tôi đang ăn và thứ đồ uống khai vị màu đỏ như máu của vùng Beaujolais có tên communard (theo tên của những người theo Công xã Paris vào năm 1871). Menu của các quán trông chẳng khác các tác phẩm nghệ thuật theo trường phái ấn tượng để nhìn và rất trừu tượng để phán đoán các món sẽ ngon cỡ nào.
Lyon, tóm lại là một nơi mà người ta không thể cưỡng lại được sự tấn công vào các giác quan từ mọi thứ liên quan đến ẩm thực, coi đó như là nghệ thuật, hơn thế nữa, thưởng thức nó là một phong cách sống.
Những nơi tôi đã đi qua trên đất Pháp trong những tháng ngày bóng đá này, trong đó có Lyon, đều có sức quyến rũ riêng từ những đặc trưng của nó. Và những điều hay nhất ấy ta không thể cảm nhận được nếu không mở lòng (và cả dạ dày) của chính mình, không lang thang và tự để mình lạc trong những con phố, những con đường, dòng sông, ngọn đồi của mảnh đất này. Sống, xét cho cùng, là tự do, và tự biết cảm nhận những điều tuyệt vời nhất mà cuộc đời đem lại. Phải vậy không?
Ở thành phố này, Paul Bocuse còn hơn cả một siêu sao. Ông không phải là một ngôi sao của điện ảnh Pháp, không phải một diễn viên kịch, lại càng không phải là một nhà thể thao kiệt xuất. Con người nhìn bề ngoài có vẻ già nua, nghiêm khắc và khó tính ấy là một đầu bếp nổi tiếng, và ông là biểu tượng của nền ẩm thực Lyon, một lý do khiến cho thành phố này trở thành thủ đô ẩm thực của nước Pháp.
Trên mảnh đất miền Đông nước Pháp này, ăn uống được coi là một nghệ thuật, một phần bởi sự tồn tại của các “bouchon” trong nhiều thập kỷ, phần vì đầu bếp nổi tiếng nhất Pháp đang sống và nấu ăn ở đây. Những người sành ăn coi Lyon là một thiên đường của ẩm thực và bản thân Paul Bocuse là Giáo hoàng của những người đầu bếp. Lyon có tới 2.000 nhà hàng, trong đó có 20 nhà hàng được gắn sao Michellin.
Người ta bảo, con đường đi đến trái tim luôn đi qua dạ dày. Tôi tin là thế, sau một đêm ngồi ăn trong một quán quen ở Lyon và ngắm nhìn cuộc sống của thành phố này lặng lẽ trong một cơn mưa lạnh đầu hạ.