Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất có lẽ đây là quốc gia duy nhất trên thế giới không có sông, suối, hồ nước ngọt tự nhiên. Bên cạnh đó, lượng mưa ghi nhận tại Malta hàng năm chỉ là 550 mm, tương đương khoảng trên 20% lượng mưa ở Việt Nam.
Để phục vụ cho nông nghiệp, chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt quy mô nhỏ, nông dân Malta buộc phải đào giếng tự phát. Theo số liệu sơ bộ đến năm 2011, có khoảng 8.500 giếng nước được đào tự phát, không theo quy hoạch để phục vụ nông nghiệp tại Malta. Trước mắt, số lượng giếng nước này có thể đáp ứng được nhu cầu của nông dân Malta; nhưng về lâu dài, cách khai thác không có quy hoạch này đang làm mất cân đối sự bền vững của nguồn nước ngọt tự nhiên tại Malta.
Bờ biển Valetta, thủ đô Cộng hòa Malta. |
Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) mà Malta là thành viên từ năm 2004, việc khai thác các giếng nước ngọt phải được kiểm soát theo quy hoạch và chịu thuế. Tuy nhiên, đại diện của Cơ quan Tài nguyên Malta cho biết theo thói quen, tập quán, nông dân Malta vẫn khai thác nước ngọt tự nhiên để phục vụ nông nghiệp và rất khó để buộc họ trả thuế cho việc này. Nguy cơ thiếu nước ngọt ngày càng trở nên rõ ràng do thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân, khai thác du lịch, xu hướng tăng dân số trên đảo quốc và suy thoái do nhiễm mặn. Trong khi đó, lượng nước bơm lên từ các giếng nước ngọt vẫn không hề giảm. Theo tính toán của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), sự mất cân đối sẽ dẫn đến nguy cơ là các nguồn nước ngọt của Malta sẽ cạn kiệt trong vài thập kỷ tới.
Trước thực trạng này, việc nghiên cứu tìm ra nguồn bổ sung nước ngọt thay thế là rất cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan chức năng Malta. Nhiều phương án được đưa ra nhưng có rất ít đáp án phù hợp. Việc xây các hệ thống dẫn nước mưa vào các bể chứa không thực sự hiệu quả do số lượng ít; hơn nữa, về tự nhiên, quốc đảo này cần nước mưa thấm vào đất để bù lại nguồn nước ngọt tự nhiên. Khả năng tái sử dụng nước ngọt đã qua sử dụng lại cần đầu tư lớn về hạ tầng trong khi vẫn bị hạn chế về khối lượng nước. Giải pháp duy nhất còn lại là phải triển khai một công nghệ đủ mạnh để khai thác nước ngọt từ nước biển, nguồn tài nguyên gần như vô tận đối với quốc đảo Malta.
Với quyết tâm này, cho đến nay, nguồn nước ngọt được lọc từ nước biển đã trở thành nguồn nước ngọt quan trọng đứng thứ hai của người dân Malta. Nước sinh hoạt hàng ngày tại các đô thị ở Malta hầu hết là nước được xử lý, tẩy mặn từ nước biển thông qua các nhà máy lớn với công nghệ hiện đại. Nước được tẩy mặn trên thực tế không khác biệt nhiều so với nước ngọt tự nhiên. Chi phí tẩy mặn để có 1 mét khối nước ngọt từ nước biển hiện vào khoảng 1 euro. Chi phí này được tính vào giá thành để bán nước ngọt sinh hoạt cho người tiêu dùng. Cũng chính nhờ công nghệ tẩy mặn nước biển để có nước sinh hoạt, trong tương lai gần, người dân Malta hiện không quá phải lo lắng đến nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.
Tuy nhiên, về lâu dài, nguy cơ thiếu nước ngọt và tổn hại môi trường cho đảo quốc xinh đẹp Malta vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nước biển có thể là nguyên liệu vô hạn nhưng để tẩy mặn nước biển lại cần sử dụng rất nhiều năng lượng truyền thống; hệ quả là khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại tăng cao. Trong khi đó, năng lượng tái tạo ở Malta vẫn chưa được phát triển đúng mức. Cho đến nay, theo đại diện Cơ quan Quản lý tài nguyên Malta, giải pháp bền vững nhất để đảm bảo nguồn tài nguyên nước ngọt vẫn là các biện pháp quản lý nhà nước nguồn tài nguyên này và quan trọng hơn hết là ý thức tiết kiệm của người dân.