Mối nguy hiểm từ khói

Bộ râu dài của anh Khan Mohammad, người Ápganixtan đã bị cháy trụi đến sát cằm và khuôn mặt bị sưng phồng sau khi chiếc đèn ga bị nổ do để quá gần bếp sưởi trong gia đình.


Tuy nhiên, đó chưa phải là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc sống của người dân Ápganixtan mà khói thoát ra khi sưởi ấm và nấu nướng thức ăn mới đáng nguy hiểm hơn cả. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm tại Ápganixtan có khoảng 54.000 người chết vì khói, trong đó phần lớn đều là trẻ em dưới 5 tuổi.

Một gia đình Ápganixtan quây quần bên bếp than. Ảnh: Internet


WHO cũng đã xếp mối nguy hiểm từ khói trở thành một trong những mối nguy hiểm nhất mà các nước nghèo đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, bỏng chất đốt rắn cũng là một vấn đề lớn đối với các nước khác ở khu vực này như Pakixtan, Trung Quốc và Ấn Độ.

Các gia đình ở Ápganixtan thường xuyên sử dụng một bếp lò bằng củi hoặc bằng than trong nhà để sưởi ấm. Tuy nhiên ngoài việc giữ ấm cho mọi người thì khói từ than và củi chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, ung thư phổi và các bệnh về tim mạch.


Ngoài ra, khói cũng ảnh hưởng rất nhiều tới môi trường tại quốc gia Nam Á này. Quyền Bộ trưởng Y tế cộng đồng Ápganixtan Suraya Dalil cho biết, ô nhiễm trong nhà chủ yếu ảnh hưởng tới phụ nữ và trẻ nhỏ bởi vì họ thường xuyên ở trong nhà. Trong khi đó, ông Bashir Noormal, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu sức khoẻ của Ápganixtan nhấn mạnh, khói từ các bếp sưởi ấm và nấu nướng trong các ngôi nhà ở nước này chính là thủ phạm gây ra những vụ bỏng, ô nhiễm khí cácbon, các căn bệnh về đường hô hấp và cuối cùng là những cái chết.

Cơ sở hạ tầng của Ápganixtan đã bị tàn phá nghiêm trọng sau ba thập kỷ xung đột, thậm chí ngay cả thủ đô Cabun cũng không cung cấp đủ điện cho người dân sử dụng. Một cuộc chiến tranh dài hàng thập kỷ đã khiến cho người dân nước này sống trong điều kiện hết sức khó khăn. Ápganixtan hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi mà số trẻ em chiếm đến ½ dân số, trong đó ¼ số trẻ em qua đời khi chưa đến 5 tuổi và tuổi thọ trung bình chỉ là 44.

Bà Dalil thừa nhận: “Ô nhiễm trong nhà là một yếu tố đe dọa sự sống của người dân. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để đưa ra các biện pháp làm giảm ô nhiễm trong nhà như sử dụng các thiết bị điện nhằm tăng tính an toàn cũng như giảm ô nhiễm”.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc, ô nhiễm khói hàng năm đã cướp đi sinh mạng của gần hai triệu người trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây ra sự ốm yếu của hàng triệu người khác. Bác sĩ Honorita Bernasor làm việc tại bệnh viện Ahmed Shah Baba ở thủ đô Cabun cho biết mỗi khi mùa đông đến các vụ bị bỏng và nhiễm khí độc cácbon do khói tăng vọt.

Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN