Năm 2012 qua các cuộc bầu cử

Với hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng trải dài qua các châu lục, từ châu Á, châu Âu tới Bắc Mỹ và Nam Mỹ, sẽ là không quá khi nói rằng 2012 là năm của sự chuyển giao quyền lực. Đã có những người ra đi, những người ở lại và sự nổi lên của những gương mặt mới trên bản đồ chính trị thế giới. Và tất cả đều hướng tới một đích chung - đó là chèo lái con thuyền đất nước vượt qua giai đoạn hậu “bão” tài chính khó khăn này của thế giới.

 

Thế hệ lãnh đạo thứ 5


Đó là cụm từ chung nhất khi Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung nói về ban lãnh đạo mới được bầu của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Trung tuần tháng 11 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã tiến hành phiên họp đầu tiên và bầu Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Ông Tập Cận Bình, 59 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư BCH Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 và thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 nhà lãnh đạo. Vậy là, sau 10 năm kể từ thế hệ lãnh đạo thứ tư, cường quốc châu Á này đã có một ban lãnh đạo mới với những quyết sách quan trọng định hướng cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc.


 

Ông Tập Cận Bình phát biểu với báo giới sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc được bầu ra trong bối cảnh nước này đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới, cả trong nước và trên trường quốc tế. Bản thân trong nội bộ Đảng cũng có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhất là vấn đề tham nhũng, tình trạng xa rời quần chúng, nạn hình thức và quan liêu.
Sau một thời kỳ dài đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những mâu thuẫn mang tính kết cấu đến nay đã bộc lộ rõ; cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, tiềm năng được giải phóng nhưng cấu trúc thượng tầng vẫn đang được tổ chức, quản lý theo lối cũ, dẫn đến sự giằng kéo, buộc phải điều chỉnh chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, khắc phục những mâu thuẫn phức tạp biểu hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, theo Tổng Bí thư Tập Cận Bình, trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo thứ 5 này là tập hợp và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thuộc các dân tộc Trung Quốc kế tục sự nghiệp lịch sử giao phó, không ngừng đổi mới tư duy, thực hiện cải cách mở cửa, giải phóng và phát triển sức sản xuất, nỗ lực giải quyết những khó khăn của người dân, cùng thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

 

Tiếp nối sự thay đổi


Trong khi đó, tại nước Mỹ, Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Barack Obama đã khép lại cuộc vận động tái tranh cử được đánh giá là phức tạp và tốn kém nhất trong lịch sử xứ cờ hoa để tiếp tục là ông chủ của Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ 4 năm (2012- 2016).


 

Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đã lại một lần nữa được cử tri tín nhiệm.

Cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của nước Mỹ ngay từ đầu được xác định là cam go và khó dự đoán bởi nó diễn ra giữa Tổng thống đương nhiệm Obama, được nhìn nhận là hiểu các khó khăn và gần gũi với người dân nhưng hiệu quả điều hành kinh tế không cao, với ứng cử viên đảng Cộng hòa - cựu Thống đốc Mitt Romney, được cho là am hiểu kinh tế thị trường nhưng lại không thật sự nổi bật.


Bốn năm qua là khoảng thời gian vừa đủ để vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ khẳng định những mặt mạnh của mình trong chèo lái con thuyền nước Mỹ. Bộ mặt đất nước đã có những chuyển biến khả quan so với di sản nặng nề từ người tiền nhiệm George W.Bush.


Bỏ phiếu lựa chọn Obama, cử tri Mỹ đã tiếp tục ủng hộ những thay đổi mà chính quyền dân chủ của ông cam kết và đã phần nào hiện thực hóa. Bỏ phiếu cho Obama, cử tri Mỹ muốn dành thêm thời gian để ông làm nốt những phần việc phải làm, mà trước hết là vực dậy nền kinh tế số một thế giới đang phục hồi khá mong manh sau cuộc khủng hoảng tài chính được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930. Tiếp nối thay đổi là thế!

 

Sự đổi ngôi ngoạn mục


Tạm chia tay châu Á và nước Mỹ xa xôi, năm qua, xứ bạch dương tuyết trắng cũng được chứng kiến một sự đổi ngôi ngoạn mục trên chính trường. Thủ tướng Vladimir Putin đã trở lại ghế tổng thống và trong nhiệm kỳ này, người tiền nhiệm của ông Dmitry Medvedev lại chính là người kế nhiệm ông. Thực tế, kịch bản hoán đổi ngôi vị này đã được dự tính trước, nhưng sau bốn năm đầy biến động của thế giới, kịch bản không thay đổi cho thấy uy tín vững chắc của Tổng thống Putin và ban lãnh đạo của đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền.


 

Cặp đôi V.Putin - D.Medvedev sau cuộc bầu cử ngày 4/3.

Từng lãnh đạo nước Nga trong những giai đoạn đầy khó khăn với hai nhiệm kỳ ấn tượng, Tổng thống Putin được người dân Nga kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa xứ tuyết đến với những chân trời mới. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ khi nền kinh tế Nga nói riêng cũng như kinh tế thế giới nói chung vẫn loay hoay tìm hướng đi trong khủng hoảng. Mục tiêu trước mắt và lâu dài là đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế thay vì chỉ dựa vào dầu mỏ như lâu nay. Nền kinh tế Nga dù vẫn ở "thể trạng" tốt hơn so với phần lớn các nước châu Âu khác, nhưng dễ bị tác động trước bất kỳ sự thay đổi nào trong giá dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu chính của Nga. Trong khi đó, ngân sách nước này đang chịu sức ép trước những cam kết chi tiêu mà ông Putin đưa ra trong các cuộc tranh cử. Ông Putin cho biết ông muốn thu hút thêm đầu tư nước ngoài bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, giảm nạn tham nhũng, hối lộ và chấm dứt sự phụ thuộc chủ yếu của Nga vào xuất khẩu năng lượng.

 

“Ngài Bình thường” ở Điện Elysée


Năm qua, Điện Elysée đã có chủ nhân mới - ông Francois Hollande - đánh dấu sự trở lại của phong trào cánh tả trên chính trường Pari. Trong cuộc bầu cử đầu tháng 5/2012, cử tri Pháp đã trao chiếc ghế tổng thống cho ông Hollande, người tự nhận mình là “Ngài Bình thường” (Mr Normal), chủ trương thực hiện các chương trình kích thích kinh tế và khẳng định rằng Nhà nước phải bảo vệ những người bị áp bức. Chiến thắng này của ông Hollande được nhìn nhận là đòn chí tử giáng vào những nỗ lực áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng vốn là vấn đề nổi cộm tại châu Âu trong vài năm gần đây.


 

Chủ nhân mới của Điện Elysée.

Lần đầu tiên kể từ năm 1995 tới nay, nước Pháp đã có một nhà lãnh đạo thuộc cánh tả lên cầm quyền kể từ sau Tổng thống Francois Mitterrand thuộc đảng Xã hội. Cũng như lãnh đạo các nước châu Âu khác đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, Tổng thống Hollande phải đối mặt với bài toán không dễ, đó là giảm thâm hụt ngân sách, tăng thuế doanh thu và hạn chế chi tiêu công, vốn trên mức 56% GDP của Pháp và là mức cao thứ hai tại châu Âu, sau Đan Mạch. Đây là hệ quả của chính sách phóng tay dưới thời các tổng thống bảo thủ là Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy.

 

Chiến thắng của niềm tin vào Cách mạng Bolivar


Đó là cách mà giới quan sát quốc tế so sánh khi bình luận về chiến thắng đầy thuyết phục của Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez trong cuộc bầu cử quan trọng vừa qua. Thuyền trưởng Chavez sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Vênêxuêla cho tới năm 2019 để tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc dự án "xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21" mà ông hằng ấp ủ.


 

Tổng thống Chavez giương cao quốc kỳ Vênêxuêla sau khi tái cử nhiệm kỳ 4.

Thắng lợi của nhà lãnh đạo, người đã tạo dựng nên “Kỷ nguyên Chavez”, người đi đầu trong phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh những thập niên gần đây, đã chứng tỏ sức mạnh của ngọn lửa cách mạng đầy nhiệt huyết. Bất chấp bệnh tình khó lường của tổng thống, người dân Vênêxuêla đã tiếp tục lựa chọn Chavez và những người đồng chí của ông, những người đã từng bước đưa quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi đói nghèo và bất bình đẳng xã hội với các chính sách an sinh xã hội cải thiện đời sống cho nhân dân.

 

Thay đổi lớn ở Đông Bắc Á


Châu Á đã khép lại năm 2012 bằng hai cuộc bầu cử quan trọng tại hai cường quốc ở Đông Bắc Á - Nhật Bản và Hàn Quốc.


 

Bà Park Geun-Hye đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc.

Đến với đất nước Phù Tang, sau ba năm gián đoạn, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã trở lại nắm quyền sau khi đánh bại đối thủ Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền tại cuộc bầu cử Hạ viện vào trung tuần tháng 12 này. Khẩu hiệu “Lấy lại Nhật Bản”, “Xây dựng lại Nhật Bản” đã trở thành câu thần chú góp phần làm nên chiến thắng ngoài mong đợi với 294/480 ghế tại Hạ viện, cho phép LDP tự đứng ra thành lập chính phủ mà không cần phải liên minh với đảng phái nào.


Sự trở lại của LDP được người dân kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng mà giới quan sát quốc tế gọi là “kinh tế hụt hơi”. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang trải qua giai đoạn khó khăn với món nợ khổng lồ (tương đương 236% GDP), hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima. Các cuộc khủng hoảng triền miên đã làm lu mờ hình ảnh một nước Nhật Bản vốn nổi tiếng về sức mạnh công nghiệp, phương pháp sản xuất và công nghệ phát minh.


Còn tại xứ Hàn, giấc mơ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của chính khách Park Geun-Hye đã trở thành hiện thực. Trong cuộc bầu cử ngày 19/12, cử tri Hàn Quốc đã chọn “Nữ hoàng bầu cử”, con gái của cố Tổng thống Park Chung Hee, người được đánh giá đã đặt nền móng cho sự thành công nổi bật của kinh tế Hàn Quốc. Cương lĩnh tranh cử của bà tập trung vào những vấn đề cơ bản gồm: thành lập một chính phủ năng động và khôi phục lòng tin của người dân thông qua cải cách chính trị, xây dựng một xã hội không có sự phân biệt đối xử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn được coi là hạt nhân của nền kinh tế quốc gia, thực hiện kinh tế công bằng, đảm bảo động lực tăng trưởng thông qua mô hình kinh tế sáng tạo và tạo ra nhiều việc làm, hướng tới một nền giáo dục hạnh phúc, hệ thống phúc lợi đảm bảo các quyền của người dân, bảo đảm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.


Khép lại năm 2012 nhiều biến động, thế giới đón chào năm mới 2013 với những kỳ vọng mới. Những thách thức, khó khăn cũng sẽ là những phép thử đối với các nhà lãnh đạo trên hành trình chèo lái con thuyền đất nước. Và hãy cùng nguyện cầu cho một năm mới hạnh phúc, an lành!

 

Phương Hồ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN