Theo hãng thông tấn Tân Hoa, nền "kinh tế tại gia" bao gồm các dịch vụ trực tuyến như mua sắm online, đặt hàng và giao nhận đồ ăn, dạy học qua mạng, làm việc tại nhà và các ứng dụng trò chơi giúp thỏa mãn nhu cầu của con người khi ở trong nhà.
Thuật ngữ “kinh tế tại gia” ra đời từ một bài viết của nhà báo Kaitlyn Tiffany vào năm 2018 trên tờ The Goods, miêu tả thực trạng những người phụ nữ trẻ thích ở nhà, nghỉ ngơi và làm những thứ mà xã hội gọi là “Netflix và thư giãn”. Bộ phận những người ở nhà như vậy đến năm 2020 đã mở rộng hơn, bao gồm các đối tượng ở đủ mọi lứa tuổi, giới tính khi được khuyến khích nên nghỉ ngơi nếu cảm thấy không được khỏe.
“Tôi không biết mình có thể mua đồ qua ứng dụng thuận tiện như vậy”, anh Zhang Weijia đang sinh sống tại thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, cho hay. Giống như nhiều người dân Trung Quốc khác, anh Zhang đã bỏ thói quen đi chợ và lựa chọn ứng dụng giao đồ để mua đồ ăn tươi ngon, tránh phải ra ngoài nhiều.
Vì nhu cầu lớn từ dân số đông, nhiều ứng dụng gặp trở ngại về nguồn cung và nhân lực đã bắt đầu giới hạn lượng đặt hàng. Anh Zhang phải đặt báo thức mỗi sáng để mua sắm trực tuyến thực phẩm cho gia đình.
JD Fresh, công ty con phân phối thực phẩm tươi sống thuộc công ty thương mại điện tử JD, cho biết đơn đặt hàng đã tăng 215% chỉ trong 9 ngày sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Một ứng dụng giao thực phẩm tươi sống khác, Missfresh, cũng tiết lộ số liệu tăng vọt về đơn đặt hàng (tăng 300%) trong mùa dịch COVID-19.
“Ngành kinh doanh của chúng tôi trước đây luôn bị hạn chế do thói quen tiêu dùng truyền thống của mọi người. Tuy nhiên, với thực trạng nhu cầu ngày càng nhiều như này, chúng tôi hy vọng thị trường sẽ tiếp tục mở rộng và các cơ hội kinh doanh mới sẽ xuất hiện”, ông Wang Jun – Giám đốc điều hành Missfresh bày tỏ.
Bên cạnh thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, dạy học trực tuyến cũng chứng kiến một sự tăng vọt về số học sinh tham gia, khi mà chính phủ các nước đã ra lệnh đóng cửa các trường học.
Sau 22 năm đứng trên bục giảng, You Xiaoling có lớp học trực tuyến đầu tiên trong đời. “Dạy học trực tuyến là một xu hướng mới nhất trong phương thức giảng dạy. Tôi yêu cầu học sinh gõ ‘111’ trên bảng trao đổi nếu như các em hiểu bài giảng của tôi”, cô You giảng dạy tại một trường cấp 3 ở tỉnh Phúc Kiến cùng nhiều đồng nghiệp khác vẫn còn bỡ ngỡ đối với hình thức dạy học này.
Hơn 20 cơ sở giáo dục trực tuyến đã khởi động các khóa học miễn phí cho học sinh Trung Quốc kể từ khi bùng phát bệnh dịch. Xueersi – một trong các trung tâm – cho biết số lượt xem trung bình cho mỗi lớp học tại trang website của trung tâm đều vượt quá 2 triệu.
Tương tự giáo viên, nhiều y bác sĩ cũng bắt đầu hình thức “khám bệnh trực tuyến”. Ngày 8/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành một thông báo yêu cầu chính quyền y tế các cấp phải cung cấp đầy đủ tư vấn y tế trực tuyến trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Hàng chục bệnh viện ở tỉnh Sơn Đông đã mở các dịch vụ phòng khám trực tuyến, cùng với một số bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc.
Với sự tham gia của hàng nghìn bác sĩ chuyên nghiệp từ khắp cả nước, các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc bao gồm Alibaba và JD.com cũng ra mắt các dịch vụ tư vấn miễn phí. Trang chủ dịch vụ của Alibaba đã nhận được gần 400.000 lượt truy cập trong vòng 24 giờ sau khi ra mắt vào ngày 24/1. Anh Zhang Tao, người Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), chia sẻ: "Ở nhà nhận kết qủa chẩn đoán ban đầu rất thuận tiện. Tôi dự định sẽ dùng dịch vụ này trong tương lai ngay cả khi nó tốn kém”.
Đối với bất kỳ công ty Internet chuyên cung cấp dịch vụ giải trí tại gia nào, mùa dịch không phải là rào cản. Các nhà phân tích đã chỉ ra những công ty như Netflix, HBO+, Facebook đang hưởng lợi trong mùa dịch này do cung cấp các dịch vụ stream video cho đủ mọi loại lứa tuổi, ở bất kỳ nơi đâu. Giới phân tích dự đoán cổ phiếu của Netflix trong tuần này sẽ tăng vì người dân sẽ dành thời gian ở nhà nhiều hơn.