Chỉ có điều bất ngờ rằng, Bone - Bone chính là “nhà vô địch” trong cuộc chiến chống lại nạn hút thuốc lá tại đất nước có tỷ lệ “nghiện ngập” cao nhất thế giới, sau khi cấm hoàn toàn việc mua bán và sử dụng loại sản phẩm độc hại này. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 2/3 nam giới trưởng thành ở Indonesia hút thuốc lá và mỗi năm có tới 200.000 người chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá.
Tấm bảng tuyên truyền đặt ở đầu làng Bone - Bone. Ảnh: Jakarta Post |
“Cảm ơn bạn vì không hút thuốc, hãy nói không với thuốc lá” là nội dung một tấm biển hiệu đặt ngay lối vào đảo Sulawesi, trong khi tấm khác lại có dòng chữ: “Mời tận hưởng phong cảnh và bầu không khí trong lành tại làng chúng tôi”.
Hiện có khoảng 10 ngôi làng ở Indonesia đã noi gương Bone - Bone áp dụng lệnh cấm thuốc lá để tự bảo vệ người dân, trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn chưa đưa ra được một chiến dịch kiên quyết trên phạm vi toàn quốc nhằm đẩy lùi khói thuốc. Tại quốc đảo này, quảng cáo về sản phẩm gây hại cho sức khỏe này vẫn xuất hiện tràn lan trên các biển hiệu, áp phích... Indonesia thậm chí là nước Đông Nam Á cuối cùng còn cho phép quảng cáo thuốc lá trên truyền hình và nước duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không thông qua hiệp ước của Liên hợp quốc về kiểm soát thuốc lá độc hại. Ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá tại Indonesia vẫn phát triển mạnh, thậm chí còn cho ra đời sản phẩm thuốc từ lá đinh hương có mùi thơm ngọt mà trẻ em ưa thích. Theo Ủy ban Quốc gia về bảo vệ trẻ em, gần 2% trẻ em Indonesia bắt đầu làm quen với thuốc lá từ khi lên 4.
Tiền bạc và sức khỏeNhưng tại Bone - Bone, câu chuyện lại xảy ra theo chiều hướng khác. Hình ảnh điếu thuốc lá đã gần như hoàn toàn biến mất khỏi cộng đồng có khoảng 800 cư dân này kể từ khi nơi đây áp dụng lệnh cấm cách đây một thập kỷ. Thời điểm đó, Trưởng làng Muhammad Idris nhận thấy rằng hậu quả về kinh tế mà hút thuốc lá gây ra còn tệ hại hơn cả nguy cơ về sức khỏe đối với dân làng. Một bao thuốc nhãn hiệu địa phương có giá tương đương 1 USD nên nếu sử dụng nhiều sẽ khiến khoản thu nhập của một gia đình bị thâm hụt không hề nhỏ. Nhiều hộ nghèo còn không đủ khả năng cho con đi học bởi người cha nghiện thuốc lá.
Việc xóa sổ hoàn toàn thuốc lá tại Bone - Bone được triển khai qua nhiều giai đoạn. Năm 2000, chính quyền địa phương quyết định cấm việc buôn bán thuốc lá. Ba năm sau, hút thuốc ở nơi công cộng bị xem là hành vi phạm luật. Tới năm 2006, mọi hoạt động mua bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá - áp dụng với người dân và cả khách du lịch tới ngôi làng này - đều bị nghiêm cấm. Người vi phạm sẽ bị phạt lao động công ích như lau dọn các nhà thờ ở địa phương, hoặc phải xin lỗi công khai tới toàn bộ cư dân Bone - Bone qua loa phóng thanh.
Sau khi luật cấm có hiệu lực, Amir - người thợ rèn có tới 9 đứa con, từ một người hút 40 điếu thuốc mỗi ngày đã buộc phải từ bỏ thói quen này. Tuy nhiên, ông cảm thấy quyết định này giúp bản thân ông theo hướng tích cực hơn. “Tôi có thể để dành tiền, mua thứ gia đình cần và quan trọng nhất là tôi có thể trả tiền học cho các con”, Amir tâm sự.
Thiếu sự kiên quyếtKhi số người dân từ bỏ thuốc lá trong toàn bộ dân số 250 triệu người vẫn còn quá ít ỏi, thì Chính phủ Indonesia lại chưa có một kế hoạch hiệu quả và rộng lớn để đối phó với tệ nạn này. Các nhà hoạt động thậm chí còn cáo buộc chính phủ đã bị thụt lùi trong cuộc chiến chống lại làn khói thuốc lá độc hại.
Mặc dù Bộ Y tế nước này đã vạch ra một lộ trình để đẩy lùi thuốc lá, nhưng các quan chức liên quan phải thừa nhận rằng những biện pháp triển khai thực sự vẫn nghèo nàn, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng. Bất chấp những lời kêu gọi hạn chế và từ bỏ thuốc lá trong cộng đồng, tháng 8 năm ngoái, Bộ Công nghiệp Indonesia đã đặt kế hoạch trong vòng 4 năm tới cho các hãng thuốc lá trong nước sản xuất 130 tỷ điếu thuốc lá/năm, cao gần gấp đôi so với chỉ tiêu của 4 năm trước đó. Trước những bằng chứng cho thấy việc hút thuốc lá có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân Indonesia cũng như “đốt” tiền bạc của họ, ngành sản xuất thuốc lá lại vẫn còn cơ hội để phát triển mạnh mẽ. Một nghịch lý chưa thể giải quyết một sớm một chiều.