Người giàu các nước đổ về Malaixia định cư

Giống như nhiều bà mẹ Nhật Bản, bà Ritsuko Kawasaki đã rất lo lắng về sức khỏe và an toàn cho gia đình do nguy cơ rò rỉ hạt nhân sau thảm họa trận động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 tại nước này.


 

Đảo Penang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho người nước ngoài định cư.

 

Sáng 8/2012, bà Kawasaki và hai cậu con trai đã quyết định chuyển đến đảo Penang của Malaixia theo một chương trình định cư lâu dài do chính phủ nước này triển khai nhằm thu hút người giàu nước ngoài đến đây.


Kawasaki, 43 tuổi, cho biết: “Tôi không nghĩ mình sẽ quay trở lại Nhật Bản. Cuộc sống ở Penang cũng rất thoải mái”. Đối với bà Kawasaki, việc đến Malaixia lúc đầu là một quyết định mạo hiểm, do bà chỉ có thể nói được tiếng Nhật. Tuy nhiên, bà vẫn quyết định đến đây vì muốn hai cậu con trai của mình, lớn 9 tuổi và bé 3 tuổi, sẽ được học tiếng Anh ở trường. Và điều quan trong hơn cả là ở đây, bà cảm thấy an toàn. Kawasaki cho biết bà thực sự sốc khi đi thăm các khu vực chịu ảnh hưởng sau trận động đất và sóng thần. Bà thực sự lo lắng về vấn đề an toàn do các nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ.


Trong khi đó, ông Shigeru Tanida, 65 tuổi, người đã ở thủ đô Cuala Lămpơ từ năm 2006, tâm sự cuộc sống ở đây rất tốt và chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều so với ở Nhật Bản.


Sau khi nghỉ hưu ở công ty Panasonic của Nhật Bản, ông Tanida cũng tính tới việc định cư ở Tây Ban Nha, Thái Lan và Philíppin, song cuối cùng ông đã chọn Malaixia. Tại đây ông có thể chơi môn gôn yêu thích của mình với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với ở Nhật Bản. Ông chia sẻ: “Chi phí ở đây rẻ bằng 1/3 so với ở Nhật Bản và khí hậu cũng rất tốt”.


Với môi trường dễ chịu, nền chính trị ổn định và kinh tế phát triển, Malaixia đã thu hút được 19.488 người nước ngoài đến định cư kể từ khi cho triển khai chương trình "Ngôi nhà thứ hai của tôi" (MM2H) cách đây 10 năm.


MM2H và các chương trình tương tự ở Thái Lan và Philíppin trước đây thường nhằm vào những người đã nghỉ hưu ở các nước phương Tây với hy vọng họ sẽ đến định cư và kích thích nền kinh tế ở các nước này. Tuy nhiên, các nhà tổ chức chương trình này cho biết đối tượng “khách hàng” người châu Á đang dần chiếm ưu thế, đặc biệt là người Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần và lớp người giàu Trung Quốc mới nổi.


Tổng cộng 2.7 người đã nộp đơn theo chương trình MM2H đã được thông qua trong năm 2011 và chính phủ Malaixia hy vọng đạt mục tiêu 3.000 người trong năm 2012.


Các chính sách ưu đãi của Malaixia bao gồm cấp visa trong 10 năm, miễn thuế cho các khoản tiền gửi vào quỹ hưu trí ở nước ngoài, có quyền mở một cơ sở kinh doanh, miễn thuế đối với mua xe hơi sản xuất tại Malaixia cùng nhiều chính sách hấp dẫn khác.


Trong khi đó, những người xin được nhập cư theo chương trình MM2H chỉ cần đặt cọc một khoản tiền 50.000 USD trong tài khoản tại một ngân hàng Malaixia.
Đối với cặp vợ chồng người Anh Keith và Adrienne Francis, họ cảm thấy thực sự không thoải mái khi phải trở về sống ở quê hương sau khi ông Keith nghỉ hưu năm 2004, sau 35 năm làm cảnh sát ở Hồng Công.


Nhấp ngụm trà sữa trong một nhà hàng Ấn Độ ở Penang, Adrienne cho biết: “Với tôi, trải nghiệm về nước Anh quả thực là những gì lạnh lẽo và xám xịt”.


Trong danh sách lựa chọn ban đầu của cặp vợ chồng người Anh này còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp Phuket của Thái Lan. Tuy nhiên, họ đã không chọn Phuket vì ở đây có quá nhiều quán bar và cuộc sống về đêm quá ồn ào. Cuối cùng, họ quyết định chọn Malaixia vì ở đây có chất lượng sống tương đối cao, chính trị ổn định hơn so với nước láng giềng, chất lượng chăm sóc y tế tốt và nhiều người nói được tiếng Anh.


Một yếu tố quan trọng dẫn tới quyết định của vợ chồng nhà Francis là giá cả, chi tiêu ở Hồng Công quá đắt đỏ, trong khi phải sống trong căn phòng chật hẹp. Còn hiện tại, họ đang sở hữu căn hộ rộng tới 232 mét vuông ngay cạnh bờ biển Penang mà họ đã mua năm 2004 với giá 182.000 USD.


Lê Hải (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN