Người Hàn Quốc “chết thử” để trân trọng cuộc sống

Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do người Hàn bị trầm cảm nặng do áp lực từ công việc.

Nhận ra giá trị sự sống

Nhằm giúp người lao động trân trọng mạng sống, một số công ty tại Hàn Quốc đã tổ chức tang lễ giả cho nhân viên. Trong căn phòng làm việc rộng rãi tại một tòa nhà cao tầng nằm giữa thủ đô Seoul, đội ngũ cán bộ tại công ty tuyển dụng Staffs đang tiến hành tang lễ giả cho chính mình. Khoác lên bộ tang phục, họ lặng lẽ ngồi viết di chúc cho người thân, bạn bè. Thỉnh thoảng đâu đó lại vang lên tiếng khóc thút thít, xuất hiện những giọt nước mắt đọng rơi trên trang thư. Trước khi tiến hành tang lễ, những nhân viên này cũng đã được cho xem những đoạn video nói về nghị lực sống của con người. Một người mắc ung thư chống chọi với bệnh tật trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, một đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật ở chân song vẫn cố gắng học bơi.

Một buổi làm đám tang giả cho nhân viên công ty Staffs.

Cao trào của buổi lễ, tất cả đều đứng dậy, đi đến và nằm vào trong một cỗ quan tài đặt sẵn. Mỗi người cầm một bức di ảnh có gắn nơ đen phía trên. Sau đó, một người đàn ông trong trang phục Thần Chết sẽ đi đóng lần lượt các cỗ quan tài. Bị bao phủ trong bóng tối khoảng tầm 10 phút, các nhân viên tự ngẫm nghĩ về giá trị đích thực của cuộc đời.

Anh Jeong Yong-mun - giám đốc Trung tâm Healing Hyowon chia sẻ biện pháp trên dường như muốn giúp con người nhận thức giá trị đẹp đẽ của sự sống, phải tự nỗ lực đương đầu, không chịu khuất phục trước thử thách, khó khăn. Chủ tịch công ty Staffs, ông Park Chun-woong cho biết trước giờ lãnh đạo công ty luôn khuyến khích nhân viên thay đổi tư duy xưa cũ của bản thân, nhưng điều đó không tạo ra sự khác biệt nào. Tôi nghĩ việc tự mình vào nằm trong một cỗ quan tài có lẽ sẽ là trải nghiệm gây sốc và khiến toàn bộ người tham gia có điểm xuất phát mới trong cuộc đời họ”.

Cho Yong-tae - nhân viên vừa tham gia tang lễ của mình bày tỏ: “Sau khi vào nằm trong cỗ quan tài, tôi nhận ra mình đã phạm phải nhiều sai lầm và nên sống thử theo cách khác. Hi vọng sau này tôi sẽ tận tâm, đam mê hơn nữa trong công việc và dành nhiều thời gian cho gia đình”.

Bên cạnh việc tham gia tang lễ giả, một số nhân viên còn thử dùng biện pháp “cùng nhau cười” vào mỗi buổi sáng trước khi vào giờ làm, để khuấy động không khí cũng như tạo năng lượng cho ngày làm việc mới. Việc luyện cười theo nhóm đối với người khác nhìn vào có phần kỳ lạ song với những người tham gia, họ cảm thấy “khi nhìn thấy khuôn mặt vui vẻ của người khác, mặc dù không có chuyện gì đáng để cười song họ cũng bất giác mà vui theo. Và cuối cùng là mọi người cười lớn cùng nhau”.

Tính cạnh tranh đặc trưng của người Hàn

Tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người trong độ tuổi từ 9 đến 24. Hiệp hội chuyên khoa thần kinh Hàn Quốc cho biết 1/4 số người được phỏng vấn đều gặp phải các chứng bệnh trầm cảm do cường độ làm việc cao. Người lao động tại xứ sở Kim Chi thường phàn nàn về việc họ phải đến nơi làm việc sớm hơn sếp và làm việc cho đến khi sếp về.
Năm ngoái, chính quyền Seoul đã cố gắng áp dụng thay đổi văn hóa làm việc “nồi áp suất” bằng cách cho phép người lao động ngủ trưa một tiếng, song để bù lại họ phải đi làm sớm hơn hay về muộn hơn một tiếng. Tuy nhiên chính sách này đã không được nhiều người hưởng ứng do tính cách cạnh tranh được nuôi dạy từ bé của người Hàn Quốc không dễ dàng thay đổi.

Tháng 11 vừa qua quốc gia này cũng đã chứng kiến một trong những cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất trong năm. Hơn 630.000 học sinh trung học đã bước vào kỳ thi đại học mang tính quyết định của cuộc đời. Ông bà, cha mẹ của thí sinh mỗi ngày trong suốt 12 tuần liên tiếp đều đặn lên núi hay vào chùa thắp hương, khấn Phật phù hộ cho con cháu thi tốt, lọt vào các trường đại học danh tiếng. Trong ngày thi, lực lượng an ninh có mặt tại mọi nẻo đường, sẵn sàng đưa em học sinh nào bị muộn giờ đến trường bằng xe máy trưng dụng của cảnh sát. Nhiều người lao động phải bắt đầu công việc muộn hơn một tiếng để tránh giờ cao điểm các em đi đến trường. Trong vòng 35 phút diễn ra bài thi Nghe môn tiếng Anh, không có bất kỳ chuyến bay nào được phép cất cánh hay hạ cánh trong lãnh thổ quốc gia. Đối với các em học sinh, dường như suy nghĩ đại học là con đường dẫn tới thành công duy nhất của một người đã ăn sâu vào tiềm thức. Chính vì vậy, cũng không thấy lạ khi nhiều em nghĩ quẩn kết liễu đời mình khi không chịu được áp lực từ việc học hay phải đậu đại học.
Hồng Hạnh
Italy: Kinh tế khó khăn, số vụ tự tử tăng
Italy: Kinh tế khó khăn, số vụ tự tử tăng

Ngày càng có nhiều người ở Italy tìm đến cái chết khi không thể vượt qua những khó khăn về tiền bạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN