“Kinh đô Ánh sáng” có thể thu hút nhiều khách du lịch hơn hầu hết các thành phố thủ đô trên thế giới, nhưng Pari lại đang kém lấp lánh hơn trong mắt hàng đoàn du khách bị sốc khi phát hiện ra người dân vốn nổi tiếng lịch sự ở nơi đây lại sẵn sàng tỏ ra thô lỗ, cục cằn và hợm hĩnh.ư
Một đầu mẩu thuốc lá khổng lồ được dựng tại nhà ga đường sắt Gare de Lyon ở Pari nhằm tuyên truyền ý thức cho hành khách. Ảnh: Internet |
Sân bay quốc tế Charles de Gaulle bị xếp là phi trường tệ nhất thế giới trên blog của CNN hồi năm 2011. Nơi đây bị chê là thiết kế như chuồng thỏ, nhà vệ sinh bụi bẩn và trên tất cả là đội ngũ “nhân viên thô bạo”. “Chờ đợi làm thủ tục ở đây giống như đang ngồi trong phòng giam vậy”, một du khách phàn nàn.
Một bác sĩ tâm thần học người Nhật Bản hành nghề ở Pari suốt ba mươi năm qua thậm chí còn nhận diện cái mà ông gọi là “hội chứng Pari” trong những người đồng bào của ông mới đến một thành phố mà trong suy nghĩ của họ vẫn đồng nghĩa với sự thanh lịch và tao nhã. “Họ đến đây mang theo những hình ảnh không hề ăn nhập với thực tế chút nào”, vị bác sĩ đề nghị giấu tên nói. “Họ không bao giờ ngờ mình lại được đón chào một cách thô bạo và thờ ơ đến như vậy. Ở Pari, họ đã trải nghiệm nỗi sợ hãi và nhiều triệu chứng của sự lo lắng”.
Người Pari không chỉ tỏ vẻ coi thường du khách đến thành phố của họ, mà họ còn đối xử tệ với chính đồng hương của mình. Trong một nỗ lực mới nhất nhằm thuyết phục người dân địa phương nhìn nhận về cách hành xử của mình, Cơ quan quản lý vận tải công cộng Pari đã phát động một chiến dịch tuyên truyền bằng poster trên hệ thống tàu điện SNCF, xe buýt RATP và mạng lưới tàu điện ngầm, với hình ảnh minh họa là những con vật huênh hoang, tự cao. Một tấm poster vẽ hình một con vịt đang quàng quạc hét vào chiếc điện thoại di động trên chuyến xe buýt đông người; một bức khác là hình ảnh một con trâu đang xông lên tàu điện; hay một con lợn bẩn thỉu vứt vỏ đồ ăn lên chiếc ghế bên cạnh.
“Đây là một vấn đề “đặc Pháp”, Giám đốc SNCF, Guillaume Pepy nói. Ông cũng chính là người đề xuất mở rộng chiến dịch nói trên ra ngoài phạm vi thủ đô. Ông Pepy cho biết, SNCF sẽ tuyển 100 “người trung gian” để nhắc nhở hành khách rằng “ông không được hút thuốc trên tàu”, “bà không được gác chân lên ghế người đối diện” hay “anh không được phá các thiết bị vì chúng là tài sản công cộng”... Theo tài xế xe buýt Tarik Gouijjane thì tệ nhất là hành khách trên những chuyến xe đêm, “Người ta uống rượu công khai, hút thuốc, khạc nhổ và dẫm giày lên ghế ngồi”, Gouijjane bức xúc.
Thomas Gold Appleton, nhà văn kiêm nghệ sĩ Mỹ thế kỷ 19, từng có câu nói nổi tiếng: “Khi những người Mỹ tốt qua đời, họ tới Pari”. Vậy mà ngày nay, “những người phàn nàn về thái độ bất lịch sự ở “kinh đô Ánh sáng” ngày càng tăng”, theo nhà xã hội học Dominique Picard. Tờ tuần báo Marianne đổ lỗi tính thô lỗ của người dân thành phố là do căng thẳng tâm lý. Nghiên cứu cho thấy, dân Pari chịu nhiều áp lực hơn các vùng khác của Pháp, khi hằng ngày họ phải di chuyển tới chỗ làm xa hơn, làm việc với cường độ mạnh hơn và sống trong một thành phố mật độ dân quá đông, với trên 11 triệu dân chỉ tính riêng các vùng ngoại ô.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thất vọng với người Pari. Trên trang Bonjour Paris (chào Pari), blogger người Mỹ, Karen Fawcett, cho rằng, theo truyền thống tại Pháp, trao đổi ánh mắt trên cầu thang máy, trong cửa hàng hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng là một cách “chào ngày mới tốt lành”, mà điều này thì khách du lịch thường không để ý. “Người Pari có xu hướng thích người dân sống và làm việc ở Manhattan và họ thấy không cần thiết phải thân thiện với người lạ”, Fawcett viết.
Số khác lại tìm ra cách riêng của họ để cổ vũ những lối cư xử đẹp, chẳng hạn như ông chủ tiệm cà phê Patrick Laubignant ở thị trấn Marciac, tây nam Pháp. Năm nay, ông Laubignant có sáng kiến áp dụng thuế “bất lịch sự”. Một ly espresso có giá 1,8 euro, sẽ tăng lên 2 euro nếu khách hàng quên nói từ s’il vous plait! (“xin vui lòng!”).
Bạch đàn