Các nhà hải dương học LHQ và quốc tế mới đây cảnh báo, rác chất dẻo (plastic) đang làm biến đổi nhanh chóng hệ sinh thái biển và các đại dương.
Rác thải từ các túi chất dẻo là một trong những vấn đề sinh thái lớn nhất hiện nay. |
Nghiên cứu của Viện Hải dương Mỹ cho biết ở khu vực nhiệt đới Bắc Thái Bình Dương, trung bình cứ 1 m3 nước biển chứa tới 10 mẫu chất dẻo khác nhau, cao gấp ít nhất 100 lần so với lượng rác thải chất dẻo ở khu vực này năm 1972. Lượng rác chất dẻo ở độ sâu từ 5 - 30 m ở Thái Bình Dương cao hơn độ sâu từ 3 - 4 m so với mực nước biển từ 2,5 - 27 lần. Hiện trạng này đã tạo điều kiện cho loài côn trùng biển tăng đột biến, gây hậu quả nghiêm trọng đến toàn bộ hệ lương thực của các đại dương.
Chương trình Môi trường LHQ (UNDP) ước tính số lượng chất dẻo con người sản xuất đã tăng nhanh chóng từ 5 triệu tấn trong năm 1950 lên 260 triệu tấn mỗi năm hiện nay. Lượng chất dẻo được sử dụng tính theo đầu người hàng năm đã lên tới 100 kg ở các nước phát triển và 20 kg ở các nước đang phát triển. 80% rác chất dẻo và các rác thải khác đổ ra biển và các đại dương là từ hoạt động của con người trên đất liền.
Do chất dẻo là loại vật liệu có thể tồn tại trong môi trường nhiều thế kỷ mà không bị phân hủy, LHQ kêu gọi các nước tích cực thu gom rác chất dẻo thông qua hệ thống tín dụng bắt buộc, theo đó, người xả rác thải chất dẻo phải trả phí cao. Các nước châu Âu như: Đức, Hà Lan và Bắc Âu đã áp dụng thành công hệ thống này và kết quả có tới 95% rác thải chất dẻo đã được thu gom và được quay vòng tái chế.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)