Theo hãng tin Reuters (Anh), “bánh mì cười khúc khích” và “salad vui vẻ nhảy múa” không phải là những món ăn thường thấy trong thực đơn của các nhà hàng ở Thái Lan. Tuy nhiên, nhà hàng tại Bệnh viện Chao Phya Abhaibhubejhr ở tỉnh Prachin Buri đang hy vọng món ăn tẩm cần sa của họ có thể thu hút khách du lịch nước ngoài.
Theo đó, nhà hàng sẽ bắt đầu phục vụ các "món ăn vui vẻ" trong tháng này. Ý tưởng được đưa ra sau khi Thái Lan loại bỏ cần sa là chất gây nghiện và cho phép các công ty được nhà nước ủy quyền trồng loại cây này.
“Lá cần sa khi cho vào thức ăn, dù chỉ với một lượng nhỏ cũng sẽ giúp bệnh nhân khỏi bệnh nhanh hơn. Lá cần sa có thể cải thiện cảm giác chán ăn, giúp cho mọi người ngủ ngon và có tâm trạng thoải mái hơn”, bà Pakakrong Kwankao, trưởng dự án tại bệnh viện cho biết.
Các món ăn của nhà hàng bao gồm súp thịt lợn hạnh phúc, bánh mì chiên giòn kèm thịt lợn và lá cần sa, salad lá cần sa chiên giòn ăn kèm với thịt lợn xay và rau cắt nhỏ.
Bệnh viện Chao Phya Abhaibhubejhr cũng được biết đến là một cơ sở tiên phong ở Thái Lan trong việc nghiên cứu cần sa nhằm mục đích giảm đau và mệt mỏi. Năm 2017, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa sử dụng trong y tế.
“Tôi chưa bao giờ ăn cần sa trước đây, Dù cảm thấy kỳ lạ nhưng nó rất ngon,” thực khách Ketsirin Boonsiri nói và cho biết thêm rằng món ăn này “khá lạ”.
Nattanon Naranan, một thực khách khác cho biết mùi vị của lá cần sa tương tự như các loại rau ăn hàng ngày, nhưng cảm giác sau đó lại hoàn toàn khác. “Nó khiến cổ họng tôi khô và tôi thèm đồ ngọt,” cô nói.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan Kanokwan Vilawan cho biết bước tiếp theo Thái Lan sẽ phục vụ các món ăn nổi tiếng của nước này đến với du khách quốc tế.
“Chúng tôi có kế hoạch thêm nhiều cần sa vào các món ăn nổi tiếng của Thái Lan, chẳng hạn như súp cà ri xanh, để khiến những món ăn này ngày càng phổ biến hơn nữa,” bà Kanokwan nói.
Chính phủ Thái Lan đã cho phép người dân dùng cần sa để chữa bệnh nhưng vẫn cấm sử dụng chất này vào mục đích giải trí. Việc sở hữu cần sa cho các mục đích khác sẽ bị phạt tù đến 5 năm và phạt tiền 100.000 baht. Tàng trữ quá 10 kg cần sa sẽ coi là có ý định buôn bán trái pháp luật, có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm và phạt tiền từ 100.000 đến 1 triệu baht.
Hợp pháp hóa cần sa y tế được coi là bước ngoặt đối với Thái Lan, đất nước vốn nổi tiếng nghiêm khắc với ma túy và các chất kích thích. Tại đây, người sử dụng ma túy có thể bị kết án tử hình và hút thuốc sai chỗ cũng có thể dẫn đến án tù một năm.
Tới nay, hợp pháp hóa cần sa vẫn là vấn đề gây tranh cãi trên thế giới. Các công trình khoa học chỉ ra tác dụng của cần sa trong điều trị động kinh, đau mạn tính, chứng nghiện rượu và ma túy, các vấn đề tâm thần như trầm cảm, stress sau sang chấn, đa xơ cứng và thậm chí giảm triệu chứng ung thư. Tuy nhiên, cần sa cũng đem tới hàng loạt tác dụng phụ như tổn thương phổi, sức khỏe thai nhi kém, dẫn đến tình trạng phụ thuộc, làm trầm trọng hơn các vấn đề tâm thần.
Trước Thái Lan, Hàn Quốc cũng hợp pháp hóa cần sa y tế song quy định loại dược phẩm này chỉ được phân phối tại các cơ sở đặc biệt của chính phủ. Ở Malaysia, các nhà cầm quyền đã xóa bỏ án tử hình với người tàng trữ cần sa và đang xem xét giá trị y tế của loại cây này