Các nhà khoa học Nhật Bản đã in 3D thành công một khối thịt bò Wagyu hoàn chỉnh với những lớp mỡ vân cẩm thạch đặc trưng của loại thịt bò hảo hạng này. Thông qua một công nghệ gọi là in sinh học, họ đã in 3D một miếng bít tết đặc sản Wagyu. Bít tết bao gồm các sợi tế bào được lấy từ một con bò, và được ghép lại để tạo ra các lớp mỡ vân cẩm thạch.
Theo tờ Insider, các nhà khoa học tại Đại học Osaka của Nhật Bản đã tìm ra cách để in 3D thịt bò Wagyu trong phòng thí nghiệm - một bước đi mà họ tin rằng một ngày nào đó sẽ giúp cung cấp rộng rãi và sản xuất bền vững các loại thịt “nuôi cấy” gần giống với các sản phẩm gốc.
Bằng cách sử dụng tế bào gốc lấy từ chính bò Wagyu, các nhà khoa học đã tạo ra một cấu trúc thịt với vân cẩm thạch (còn gọi là “sashi”) đặc trưng của thịt bò Wagyu để tạo sự khác biệt với các sản phẩm thịt bò khác.
Bằng cách cô lập các tế bào thịt bò, các nhà nghiên cứu đã tổ chức được cách xếp chồng lên nhau của các cơ, mạch máu và chất béo. Sau đó, họ định hình những mô này thành dạng miếng bít tết bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là in sinh học 3D, nơi các cấu trúc tế bào có thể được xếp lớp để giống với các mô thật trong sinh vật sống.
Các nhà nghiên cứu tin tưởng việc chứng minh rằng một miếng bít tết Wagyu có thể được in 3D chính xác có thể là một bước tiến lớn hướng tới một tương lai bền vững, nơi thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ gần giống với các sản phẩm động vật thật.
Nguồn gốc từ thịt Wagyu thật cũng phân biệt loại thịt nuôi cấy này với các lựa chọn dựa trên thực vật, giống như những sản phẩm được tạo ra bởi các thương hiệu Beyond Meat và Impossible Foods.
"Bằng cách cải tiến công nghệ này, chúng ta sẽ có thể không chỉ tái tạo các cấu trúc thịt phức tạp, chẳng hạn như vân cẩm thạch đẹp mắt của thịt bò Wagyu mà còn có thể điều chỉnh tinh tế các thành phần chất béo và cơ", ông Michiya Matsusaki, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết trong một tuyên bố.
Ông Matsusaki nói rằng với những điều chỉnh này, một ngày nào đó khách hàng có thể đặt hàng thịt được nuôi cấy với lượng chất béo mà họ mong muốn, được chế biến theo sở thích và sức khỏe của họ.
Thịt bò Wagyu cực kỳ đắt đỏ, với giá bán loại cao cấp lên tới trên 440 USD/kg. Một con bò trưởng thành có giá trên 30.000 USD (khoảng 3 triệu đồng). Năm 2019, xuất khẩu bò Wagyu của Nhật Bản đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục là 2,8 triệu USD, tăng 20% so với năm 2018.
Bò Wagyu được nuôi trong những khu chuồng gỗ tương đối chật hẹp để cơ thể chúng hình thành lớp mỡ vân cẩm thạch cực kỳ đặc trưng. Thịt bò chứa omega-3, omega-6 với tỷ lệ vượt trội hơn hẳn thịt thông thường. Và chỉ giống bò này mới sở hữu tỷ lệ mỡ đơn không bão hòa lớn, vừa ngon vừa tốt cho sức khoẻ hơn.
Với người Nhật, thịt bò Wagyu được coi là “cực phẩm”. Một hộp cơm trắng dùng với thịt bò Wagyu có thể có giá 300 USD (gần 70 triệu đồng) thậm chí là cao hơn nữa.
So với bò Wagyu Mỹ (được nuôi ở Mỹ, có thời gian nuôi trong 22 tuần – tương đương với khoảng 4,5 tháng) thì bò Wagyu Nhật Bản có thời gian nuôi đến 30 tháng, dài gấp 6 – 7 lần.
Thức ăn của chúng từ khi còn là những chú bê cho đến khi trưởng thành gồm các loại ngũ cốc và cỏ. Đặc biệt, bê Wagyu trong khoảng 2 – 3 tháng tuổi có khẩu phần ăn riêng chuyên biệt. Nhiệt độ chuồng bò thoải mái và mát mẻ, luôn được duy trì trong khoảng 18-27 độ C, và những chú bò Wagyu được ăn nhiều bữa trong ngày.
Mặc dù đây có thể là lần đầu tiên thịt bò Wagyu được in 3D, nhưng trước đó đã có những nỗ lực khác làm ra thịt bít tết bằng máy in sinh học. Vào tháng 2 năm nay, công ty khởi nghiệp Aleph Farms và Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Viện Công nghệ Technion Israel đã hợp tác in sinh học và nuôi cấy bít tết Ribeye bằng cách sử dụng tế bào bò thật.