Một chiều hè ở thành phố Osaka của Nhật Bản, một nhóm khoảng 60 người đàn ông và phụ nữ tụ tập thành những bàn tròn để tham dự một buổi mai mối.
Họ giao lưu với nhau, đi từ đầu này đến đầu kia của căn phòng để tìm ra người mình ưng ý nhất. Nhưng đây không phải là một buổi hẹn hò nhóm thông thường.
Rất ít người tham gia nói về sở thích, bộ phim hay nhà hàng yêu thích của họ, hoặc thậm chí là về bản thân họ. Họ lại nói về những đứa con đã trưởng thành, vẫn còn độc thân mà họ đang hy vọng sớm kết hôn.
Một người phụ nữ ở độ tuổi 60 tự hào nói về cậu con trai 34 tuổi của mình, một giáo viên tiểu học công lập. Một người đàn ông ở độ tuổi 80 trìu mến nói về cậu con trai 49 tuổi có chí hướng nghề nghiệp, đang làm kiểm soát viên tại một công ty điện lực.
Được biết, mỗi bậc cha mẹ đã bỏ ra 14.000 yên (96 USD) để tham dự sự kiện này. Và tất cả đều mong gặp được một người giống như họ: một phụ huynh có con gái hoặc con trai vẫn còn độc thân có thể là người hoàn hảo dành cho đứa con chưa kết hôn của họ.
Người trẻ tuổi ở Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng bị ám ảnh bởi công việc, nơi thời gian là thứ quý giá nhất - đã ngần ngại đến các buổi hẹn hò nhóm. Hơn nữa, việc họ đến đó dường như không có tác dụng.
Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, triển vọng kinh tế kém và văn hóa làm việc đòi hỏi khắt khe đang cản trở họ, ngày càng ít người Nhật Bản lựa chọn kết hôn và sinh con. Cha mẹ của họ, vì lo lắng về cơ hội có cháu bế bồng, đã vào cuộc.
Bà Noriko Miyagoshi, người có kinh nghiệm tổ chức mai mối trong gần hai thập kỷ, chia sẻ: “Lối suy nghĩ rằng cha mẹ có thể giúp con cái họ kết hôn theo cách này đã trở nên phổ biến hơn”.
Bà nói thêm trước đây mọi người có thể cảm thấy xấu hổ khi đến tham dự những sự kiện này. Nhưng thời thế đã thay đổi.
Khủng hoảng hôn nhân
Chính mối lo đã đưa các ông bố, bà mẹ lớn tuổi đến phòng xem mắt ở Osaka cũng đang tàn phá nhân khẩu học của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ở Nhật Bản ngày nay, người ta ít kết hôn nhân hơn và ít sinh con hơn. Theo dữ liệu của chính phủ, dân số từ lâu đã có xu hướng đi xuống. Trong vòng một năm tính đến tháng 1/2023, dân số Nhật Bản phải chịu mức giảm kỷ lục 800.523 người xuống còn 125,4 triệu người.
Đằng sau sự sụt giảm dân số đó là số lượng các cuộc hôn nhân và tỷ lệ sinh ngày càng giảm.
Năm 2021, số lượng người kết hôn giảm xuống còn 501.116 - mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai năm 1945 và chỉ bằng một nửa con số được ghi nhận vào những năm 1970. Và khi mọi người kết hôn, họ đã đứng tuổi, khiến họ có ít thời gian hơn để sinh con. Độ tuổi trung bình để kết hôn vào năm 2021 là 34 đối với nam, tăng từ 29 vào năm 1990 và 31, tăng từ 27 đối với nữ.
Bên cạnh sự sụt giảm trong các cuộc hôn nhân là tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ này chạm mức thấp kỷ lục 1,3 vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Tất cả những điều đó ngày càng khiến chính phủ Nhật Bản phải đau đầu để cân đối nhu cầu chăm sóc sức khỏe và trả lương hưu cho dân số đang già đi nhanh chóng. Trong khi đó, số lượng người trẻ nộp thuế ngày càng giảm.
Đầu năm nay, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ yên nhằm nâng cao tỷ lệ sinh, đồng thời ví tình trạng hiện nay là “nước sôi lửa bỏng”.
Các bậc cha mẹ nuôi con nhỏ sẽ nhận được khoản trợ cấp hằng tháng 15.000 yên (100 USD) cho mỗi đứa con dưới hai tuổi và 10.000 yên cho mỗi đứa con từ ba tuổi trở lên.
Nhưng theo ông James Raymo, chuyên gia nghiên cứu Đông Á tại Đại học Princeton, nỗ lực tăng tỷ lệ sinh khó có thể thành công nếu không thúc đẩy tỷ lệ kết hôn trước tiên.
“Việc các cặp vợ chồng sinh ít con thực sự không phải là vấn đề. Vấn đề là liệu mọi người có kết hôn ngay từ đầu hay không”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhà xã hội học Shigeki Matsuda tại Đại học Chukyo (Nhật Bản) cho rằng nếu vấn đề này không được giải quyết, nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức mạnh kinh tế tổng thể và sự giàu có của quốc gia, duy trì an sinh xã hội hay mất vốn xã hội trong cộng đồng địa phương.
Hy vọng có cháu
Bà Noriko Miyagoshi cho biết, đối với nhiều bậc cha mẹ, chính niềm mong mỏi được có cháu đã đưa họ đến các sự kiện mai mối.
Bà thường xuyên gặp bố mẹ của những người đàn ông ở độ tuổi 40 đang tìm kiếm phụ nữ ở độ tuổi cuối 20 và đầu 30.
Bà kể rằng một ông bố đã phàn nàn với bà về việc không thể tìm được đối tượng xem mắt cho người con trai 40 tuổi, mặc dù đã trao đổi hồ sơ với 10 phụ huynh khác.
Khi quan sát kỹ hơn, bà phát hiện ra người bố này đã từ chối tất cả phụ nữ ở độ tuổi ngoài 30 và những người có trình độ học vấn cao hơn con trai ông. Ông cũng từ chối một cô gái không có anh chị em ruột. Bởi lẽ, người phụ nữ trong hoàn cảnh này bị coi là gánh nặng trong mắt các bậc cha mẹ truyền thống Nhật Bản. Họ lo cô gái sẽ bị phân tâm về gia đình mình trong lúc chăm sóc bố mẹ chồng khi về già.
Nhưng dù khao khát có cháu bế lớn đến đâu, bà Miyagoshi luôn nhấn mạnh với các phụ huynh rằng cuộc sống riêng của con họ phải được đặt lên hàng đầu.
“Cho dù cha mẹ có dành tình cảm cho nhau đến đâu thì con cái họ cũng phải đồng tình. Cha mẹ dù muốn có cháu đến đâu thì con cái cũng phải sẵn lòng sinh con”, bà nói.
Điều này nghe có vẻ khó tin đối với một bà mối chuyên nghiệp, nhưng Miyagoshi tin vào “go-en” - một khái niệm của người Nhật đề cập đến sự lãng mạn nảy sinh từ việc gặp đúng người vào đúng thời điểm.
Bà cho rằng dù các ông bố, bà mẹ có nỗ lực tìm kiếm mảnh ghép còn thiếu con cái của họ đến đâu, thì đôi khi nỗ lực đó cũng khó thể thành công. Vì đó là bản chất thật không thể ép buộc của hôn nhân.