Du lịch sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một trào lưu của y tế thế giới. Nhật Bản, với nền tảng khoa học và công nghệ phát triển, hy vọng sẽ giành được thị phần đáng kể trong ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận này.
Mỗi năm có đến hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới ra nước ngoài tìm kiếm các phương pháp điều trị chất lượng cao với giá rẻ. Báo cáo năm 2008 của McKensey & Co. dự báo, thị trường du lịch sức khỏe toàn cầu có thể đạt mức 100 tỷ yên (26.600 tỷ VND) trong năm 2012.
Những năm gần đây, Nhật Bản đã bắt đầu xúc tiến các giải pháp mở rộng kinh doanh, trong đó có chương trình cấp thị thực cho bệnh nhân nước ngoài đến Nhật Bản điều trị, triển khai từ tháng 1/2011. Thị thực này cho phép du khách vào Nhật Bản để được hưởng chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế đẳng cấp cao trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc tăng gấp đôi thời gian theo quy định của thị thực du lịch.
Một công dân Braxin (giữa) đang được khám chữa bệnh tại một bệnh viện ở tỉnh Aichi. Ảnh: Kyodo |
Điều tra của Cơ quan Du lịch Nhật Bản tiến hành đối với 12.066 du khách tới nước này năm 2011 cho thấy, có 261 người (khoảng 2%) cho biết họ từng khám sức khỏe hoặc điều trị y tế ở Nhật Bản trong thời gian lưu lại nước này.
Để khám và điều trị cho du khách nước ngoài, các bệnh viện ở Nhật Bản không cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào nhưng Bộ Y tế nước này lên kế hoạch triển khai cơ chế cấp phép cho các cơ sở y tế trong mùa hè năm nay nhằm tạo ra một môi trường y tế thân thiện hơn cho người nước ngoài. Tiêu chuẩn cấp phép sẽ bao gồm cả việc bệnh viện có cung cấp đủ các loại hồ sơ như thư mời bằng nhiều ngôn ngữ hay cơ sở y tế có hỗ trợ về ngôn ngữ cho người bệnh hay không.
Để hỗ trợ ngành du lịch sức khỏe, năm 2010, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) của Nhật Bản đã thành lập tổ chức Sự hoàn hảo của Y tế Nhật Bản (MEJ) nhằm hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài tiếp cận nền y tế Nhật Bản, đồng thời giúp đưa công nghệ y học Nhật Bản ra nước ngoài. Kết quả là năm 2011, MEJ đã nhận được hơn 1.200 yêu cầu và đã giúp được 60 bệnh nhân nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc và Nga, điều trị ở nước này.
METI còn phối hợp với Đại học Ngoại ngữ Tôkyô tổ chức khóa đào tạo phiên dịch viên y khoa cho các thứ tiếng Anh, Nga và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, METI và Cơ quan Du lịch Nhật Bản năm 2010 cũng tổ chức các chương trình thử nghiệm tiếp nhận 20 - 30 du khách sang Nhật Bản khám và điều trị tại các bệnh viện. METI cũng đồng thời triển khai các chương trình thử nghiệm đưa y tế Nhật Bản ra nước ngoài trong năm 2011. Theo đó, các cơ sở y tế và các hãng sản xuất dụng cụ y khoa phối hợp đưa bác sĩ Nhật Bản cùng thiết bị y tế của nước này ra nước ngoài, liên kết với y bác sĩ và các cơ sở y tế của nước sở tại khám, chữa bệnh cho người dân. Khi bệnh nhân được chẩn đoán không thể điều trị được ở trong nước, họ có thể sang Nhật Bản điều trị.
Tập đoàn JTB, hãng lữ hành lớn nhất Nhật Bản, đã thành lập Trung tâm Du lịch Sức khỏe và Y tế Nhật bản (JMHTC) chuyên về du lịch sức khỏe. Liên kết với trên 10 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có Bệnh viện Toranomon ở Tôkyô và Trung tâm Y tế Kameda ở tỉnh Chiba, JMHTC giới thiệu các chương trình khám và điều trị dành cho người cao tuổi.
Giá các gói dịch vụ của JTB dao động trong khoảng vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu yên. Người phát ngôn của JTB cho biết: “Phần lớn khách hàng của chúng tôi là những người khá giả và hơn một nửa trong số này đến từ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Hiệp hội Y tế Nhật Bản và các tổ chức hữu quan lại cho rằng, du lịch sức khỏe sẽ làm cho tình trạng khan hiếm y bác sĩ ở Nhật Bản càng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)