Những đứa trẻ "không tồn tại" ở Trung Quốc

Chính sách một con kéo dài từ năm 1979 của Trung Quốc đã để lại những hậu quả phức tạp, đặc biệt là số phận của những đứa trẻ chịu phận "đẻ chui".


Li Xue là một trong khoảng 13 triệu trường hợp vi phạm chính sách một con của Trung Quốc.

Được sinh ra ở Bắc Kinh và đã sống từ nhỏ ở đây, nhưng giống như hàng triệu đứa trẻ được sinh ra dưới thời chính sách một con của Trung Quốc, Li Xue không hề tồn tại.

Sống trong bóng tối

Li Xue không được đi học, được chăm sóc y tế hay có một công việc chính thức. Không có giấy khai sinh hay chứng minh thư, cô là một “đứa trẻ trong bóng tối”, một người ngoài hành tinh trên chính đất nước mình, không thể có thẻ thư viện công cộng, kết hôn hay thậm chí là mua vé tàu.

“Tôi được sinh ra ở đây, nhưng tôi không có bất kỳ quyền nào của một người Trung Quốc. Bất kể tôi làm gì, tôi đều bị chặn lại và gặp khó khăn. Không có gì chứng minh là tôi tồn tại hay là không”, Li Xue nói.

Hôm 29/10, giới chức Trung Quốc công bố chấm dứt chính sách một con gây tranh cãi hàng chục năm qua và từ nay cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Tuy nhiên, chính sách một con kéo dài từ năm 1979 đã để lại những hậu quả phức tạp và kéo dài cho xã hội Trung Quốc, trong đó có tình trạng bắt buộc các cặp vợ chồng phá thai và triệt sản. Dân số chính thức của Trung Quốc ở mức 1,37 tỷ người vào cuối năm ngoái, và số liệu điều tra năm 2010 cho thấy quốc gia này còn có 13 triệu đứa trẻ giống như Li Xue – nhiều hơn tổng dân số của Bồ Đào Nha. Các gia đình vi phạm quy định của Chính phủ sẽ phải trả “phí duy trì xã hội” để hợp pháp hóa sự tồn tại của đứa trẻ và đảm bảo chúng có mặt trong hộ khẩu.

Cha mẹ của Li đã có một cô con gái, được sinh ra với giấy tờ hợp lệ. Họ đã nghỉ việc mất sức dài hạn khi mẹ cô bé có thai ngoài ý muốn. Họ không muốn có con thứ hai, nhưng người mẹ quá yếu để chấm dứt thai kỳ. Đối với vi phạm khi sinh Li Xue, gia đình cô phải trả 5.000 NDT (khoảng 789 USD), cao hơn rất nhiều so với mức trợ cấp 100 NDT/tháng của họ, chưa kể tới việc mẹ cô sẽ bị cho thôi việc ngay khi nhà máy biết được tin này.

Cô bé Li Xue nhận ra mình không giống những đứa trẻ khác lúc 6 tuổi, khi các bạn hàng xóm được đến trường và cha mẹ chúng cấm chơi với cô bé. Mẹ của Li Xue, bà Bai Xiuling nói: “Con bé thường khóc và bảo tôi: Mẹ à, con muốn đến trường!’ nhưng chẳng có cách nào cả. Chúng tôi còn phải sang nhà hàng xóm xin thuốc nếu con bé bị ốm”.

Trong khi những trẻ em khác được tới trường, Li Xue chỉ biết đến sách vở và được học đọc, viết nhờ chị gái Li Bin, hơn cô 8 tuổi. Li Xue còn thường được bố mẹ dắt tới các trụ sở chính quyền với hy vọng có ai đó sẽ lắng nghe lời kêu cứu. “Chúng tôi đã tới đó không biết bao nhiêu lần. Có lẽ là hàng ngày, đôi khi là mỗi ngày đi tới hai lần”, bà Bai, 59 tuổi, nói. Thậm chí, cô bé đã từng cầm tấm biển có dòng chữ “Tôi muốn đến trường” ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng “bất kể đến đâu tôi cũng bị lờ đi”, Li Xue nói.

Mất mát quá nhiều

Li Xue với mẹ (bên trái) và chị gái Li Bin (phải).

Tháng 11 năm ngoái, cha của Li Xue đã qua đời. “Ông ấy luôn nói con gái đừng từ bỏ hy vọng. Ông ấy ra đi mà không nhắm được mắt. Làm sao ông ấy có thể yên nghỉ được?”, người mẹ nói trong nước mắt.

Việc thi hành chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc có sự khác nhau ở các khu vực, và một số khu vực cho biết sẽ bắt đầu cấp hộ khẩu cho các trường hợp vi phạm chính sách một con.

Trả lời AFP, một cảnh sát địa phương nơi gia đình Li Xue sống nói: “Nếu cô ấy đến chỗ chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết hộ khẩu”. Nhưng có vẻ Li Xue không mấy hy vọng vào những lời hứa của chính quyền, nếu không có những thay đổi thực sự.

Gia đình Li Xue sống trong căn nhà hai phòng, không có phòng tắm ở Bắc Kinh. Người chị gái Li Bin đã bỏ học năm 16 tuổi để phụ giúp gia đình. Những áp lực cuộc sống đã khiến Li Bin không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình, nhưng cô không oán trách em gái nửa lời. “Tất cả chúng tôi thực sự yêu thương Li Xue, bởi chúng tôi biết con bé đã mất quá nhiều. Chúng tôi muốn con bé cảm nhận được tình yêu thương của gia đình, bởi sẽ không có cách nào khiến con bé thấy như vậy ở bên ngoài”.

Hiện nay, Li Xue đã kiếm được việc ở một nhà hàng sẵn sàng bỏ qua tình trạng không có giấy tờ của cô. “Lần đầu tiên, tôi đã có thể được đánh giá theo năng lực của mình – những kĩ năng, chứ không phải địa vị xã hội – thật tuyệt”. Nhưng đây chỉ là một công việc tạm thời, và tương lai của Li Xue còn mờ mịt như chính lời cô nói: “Tương lai à, tôi còn chưa tưởng tượng ra!”

Hạnh Nhân (Theo AFP)
Trung Quốc bỏ chính sách một con, cổ phiếu hãng bao cao su giảm giá
Trung Quốc bỏ chính sách một con, cổ phiếu hãng bao cao su giảm giá

Việc Trung Quốc thay đổi chính sách kế hoạch hoá gia đình, bãi bỏ chính sách một con kéo dài từ năm 1979, là tin tốt lành đối với các công ty sản xuất và dịch vụ dành cho trẻ em. Tuy nhiên, đây không phải tín hiệu tươi sáng với các nhà sản xuất bao cao su.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN