Hình ảnh phụ nữ bế con đứng ven đường xin đi quá giang trở nên quen thuộc trên đường phố Jakarta. |
Đây chỉ là một hành động bình thường, nhưng tại thủ đô Indonesia, việc giơ tay xin quá giang lại trở thành nghề kiếm sống đem lại thu nhập cho những người nghèo. Trong suốt hơn 10 năm qua, để giảm tải tình trạng tắc đường do xuất hiện quá nhiều ô tô trên đường trong giờ cao điểm, chính phủ Indonesia đã ban hành luật xe muốn vào các trục đường lớn bắt buộc phải có 3 người ngồi bên trong xe (luật 3 trong 1). Nhiều tài xế taxi hay xe tải do muốn được vào các trục đường chính để dễ dàng hoạt động đã phải “thuê thêm hành khách” – những đối tượng đứng đường xin quá giang, nhằm qua mặt lỗ hổng pháp luật. Trong bối cảnh yêu cầu dịch vụ ngày một tăng, nhiều người lao động nghèo, đặc biệt là phụ nữ, hàng ngày ra đứng đường, chờ người thuê “ngồi trong xe”. Những người làm công việc này được biết đến với tên gọi “jockey”.
Trong tuần tới, chính phủ Jakarta sẽ tạm thời dỡ bỏ luật 3 trong 1 trong một tuần để xem lại tính hiệu quả của chính sách này. Điều đó đồng nghĩa với việc những người jockey sẽ thất nghiệp. Anh Muhammad Asmin (27 tuổi) – một thanh niên bỏ học quyết trở thành một jockey đã hơn 10 năm nay kiếm tiền nuôi sống gia đình với mức thu nhập 15 USD/ngày bày tỏ “tôi muốn chính quyền tiếp tục chính sách 3 trong 1. Nó tạo công ăn việc làm cho chúng tôi, những người nghèo khổ, không có trình độ”.
Theo một nghiên cứu về tình hình giao thông các nước, Jakarta được coi là thành phố giao thông tồi tệ nhất thế giới. Giới chức ước tính tình trạng tắc nghẽn tại Jakarta gây thiệt hại kinh tế khoảng 3 tỉ USD một năm. Luật 3 trong 1 được chính thức áp dụng vào năm 2003, với mong muốn giảm bớt tình trạng ùn ứ xe cộ trong giờ cao điểm nhưng trong thực tế chính sách này hoàn toàn phản tác dụng. Bên cạnh nguyên nhân ngày càng có nhiều người Indonesia có đủ khả năng sở hữu một chiếc ô tô, thì việc nhiều đứa trẻ bị người lớn lợi dụng đưa đi cùng lúc hành nghề để đủ số lượng trong xe mà không phải chia tiền kiếm được. Một số trẻ nhỏ thậm chí còn bị cho uống thuốc, nằm ngủ say li bì trên tay “mẹ” để tránh làm phiến, quấy nhiễu khi lên xe người lạ.
Trong nỗ lực hạn chế số người làm nghề jockey, giới chức Indonesia cũng đã bố trí lực lượng cảnh sát tuần tra, bắt giữ những người xin quá giang thu tiền. Nếu như bị bắt, jockey sẽ tạm giam khoảng vài tuần và phải kí vào một bản cam kết sẽ không tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, việc bố trí cảnh sát tuần tra cũng không đem lại hiệu quả do jockey có thể dễ dàng bỏ trốn nếu thấy bóng dáng cảnh sát từ xa.
Cô Wulandri – đã hai lần bị bắt vào trại cải tạo cho biết sẽ không có điều gì ngăn cản được việc cô chỉ ra đường ngồi trên xe người khác mà vẫn kiếm được 10 USD/ngày. Là mẹ của một bé trai 1 tuổi, cô trở thành “đối tác làm ăn” quen thuộc của các tài xế vì đem theo con đồng nghĩa với việc thuê 1 mà có 2 người kèm theo.