Nobel Hóa học 2012 của hai nhà khoa học Mỹ: Hứa hẹn lớn cho ngành dược phẩm

Hai nhà khoa học người Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka ngày 10/10 đã vinh dự giành giải Nobel Hóa học năm 2012 với công trình về cơ quan thụ cảm tế bào, mở rộng cánh cửa phát triển các loại thuốc mới cho ngành dược phẩm thế giới.


 

Nhà khoa học Robert Lefkowitz (trái) và nhà khoa học Brian Kobilka.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết, hai nhà khoa học Mỹ được vinh danh nhờ công trình đột phá về các phương thức mà các cơ quan thụ cảm tế bào của cơ thể phản ứng với môi trường.


Trong công trình nghiên cứu, họ đã miêu tả được một thành phần quan trọng của tế bào gọi là các thụ cảm kết đôi protein G (G-protein-coupled receptors, viết tắt GPCR).


Các GPCR rải khắp bề mặt tế bào, làm cho các tế bào nhạy cảm với các phân tử phản ứng với ánh sáng, mùi vị, hương thơm và các chất của cơ thể như adrenaline, đồng thời giúp các tế bào liên lạc với nhau.


Theo ban giám khảo giải Nobel, khoảng một nửa các loại thuốc phát huy tác dụng thông qua các GPCR. Do đó, hiểu được các GPCR là một thành tựu lớn trong nghiên cứu y học.


GPCR đóng một vai trò trung tâm trong nhiều chức năng sinh học của cơ thể. Nhưng các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm luôn gặp khó khăn trong phát triển các loại thuốc mới tác động trúng vào các GPCR do không hiểu được về hoạt động của chúng.


Thành viên ban giám khảo, ông Sven Lidin, nhận định: “Biết được các GPCR trông như thế nào và thực hiện chức năng như thế nào sẽ cho chúng ta các công cụ để phát triển các loại thuốc tốt hơn, ít phản ứng phụ hơn”.


Với nghiên cứu này, ngành dược phẩm có thể tìm ra các loại thuốc hiệu quả hơn chống lại các bệnh như tiểu đường, ung thư, các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương, bệnh tim, viêm nhiễm, rối loạn trao đổi chất.


Nhà khoa học Lefkowitz, 69 tuổi, là một giáo sư y sinh và hóa sinh thuộc trường Đại học Duke ở Bắc Carolina. Còn nhà khoa học Kobilka sinh năm 1955, là giáo sư vật lý phân tử và tế bào khoa y trường Đại học Stanford ở California.


Trong cuộc nói chuyện điện thoại với các nhà báo Thụy Điển, ông Lefkowitz kể: “Tôi đang ngủ say và điện thoại đổ chuông. Tôi không nghe thấy vì tôi thường đeo tai nghe lúc ngủ. Vợ tôi đã đánh thức tôi và bảo tôi có điện thoại. Lúc nghe tin, tôi thật sự sốc và ngạc nhiên”.


Nobel Hóa học là giải thứ ba được trao trong mùa Nobel năm 2012.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN