Tờ Le Figaro (Pháp) số ra mới đây đã ghi nhận về xu hướng của mùa nghỉ hè năm nay với dòng tít "Hè 2015: Người Pháp khám phá lại nước Pháp".
Kết quả một cuộc thăm dò của Le Figaro cho thấy số người Pháp đi nghỉ hè trong năm 2015 gia tăng so với năm 2014. Đáng chú ý, hơn 80% số người được hỏi cho biết là họ muốn đi nghỉ, cho dù ngân sách dành cho hè của họ đã giảm gần 5%. Le Figaro cũng chỉ ra rằng đa phần trong tổng số 42 triệu người Pháp đi nghỉ hè năm nay không đi xa mà quyết định khám phá lại nước Pháp. Bên cạnh vấn đề tài chính, vấn đề an ninh cũng là một yếu tố dẫn tới quyết định này. Tình hình an ninh tại những điểm du lịch mà người Pháp thường ưa thích như Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện không ổn định, bởi vậy người ta có xu hướng chọn giải pháp an toàn hơn là đi du lịch trong nước, với các khu vực được ưa chuộng nhất là Bretagne, Côte d’Azur ở phía Nam, hay miền Alsace phía Đông.
Bretagne là một trong những điểm du lịch được ưa chuộng nhất ở Pháp. |
Theo Le Figaro, Pháp cũng là một trong những điểm du lịch lý tưởng trên thế giới. Bằng chứng là hàng năm có đến 80 triệu người nước ngoài đến thăm Pháp. Trong tháng 7/2015, lượng du khách tới Pháp đã tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, cũng trong tháng 7 vừa qua, lượng khách du lịch từ khu vực Vùng Vịnh sang Pháp tăng mạnh, đặc biệt là vùng Côte d’Azur, sau khi tháng ăn chay Ramadan kết thúc.
Không chỉ có du khách từ các quốc gia Vùng Vịnh quan tâm tới Pháp, đồng euro mất giá cũng giúp nước này thu hút thêm nhiều khách du lịch từ Trung Quốc và Mỹ. Le Figaro cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay, Paris và các vùng phụ cận của Pháp đã đón 500.000 lượt du khách Trung Quốc, con số cao nhất từ trước tới nay, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, số du khách Mỹ tới Paris, tuy không nhiều bằng khách Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng 5% so với năm trước đó. Đối với đa số du khách Trung Quốc, du lịch là mua sắm, bởi vậy không ngạc nhiên khi Pháp là điểm du lịch được yêu thích, bởi ở Paris, giá hàng xa xỉ hiện giờ có khi thấp hơn đến 30% so với giá ở Trung Quốc.
Nhìn qua bên kia bờ Địa Trung Hải, nhiều quốc gia đang bị du khách "bỏ rơi ". Le Figaro mô tả cảnh khách sạn vắng hoe ở Tunisia cho dù giá đã hạ rất thấp, còn khách sạn ven bờ Hồng Hải ở Ai Cập cũng chịu cùng số phận. Nguyên nhân mất khách dĩ nhiên là do vấn đề an ninh. Marocco cũng bị ảnh hưởng và như vết dầu loang, theo Le Figaro, các nước Tanzania, Oman cũng bị vạ lây, với số du khách giảm 40%.
Tại châu Á, ngành du lịch Indonesia cũng đang trong tình cảnh mà Le Figaro gọi là “những giờ khắc đen tối”, bên cạnh các nước có dịch vụ du lịch gây thất vọng như Myanmar hay Ấn Độ. Tờ báo đi đến kết luận là diễn biến thời sự đã thay đổi bản đồ du lịch thế giới, đồng thời chờ đợi ngành du lịch của Iran (sau thỏa thuận hạt nhân) và Cuba sẽ khởi sắc trở lại.