Theo trang Al Jazeera, các bác sĩ và nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Bệnh viện Canberra đã công bố phát hiện này khi họ tìm thấy một con giun đũa dài 8 cm còn sống trong não người phụ nữ 64 tuổi sống tại bang New South Wales, Australia.
Giun đũa Ophidascaris robertsi – thường ký sinh trong vật chủ trăn thảm – đã được lấy ra khỏi não bệnh nhân sau ca phẫu thuật trong trạng thái còn ngoe nguẩy. Các bác sĩ nghi ngờ ấu trùng của loài giun này đã lây nhiễm sang các cơ quan khác trong cơ thể người phụ nữ, bao gồm cả phổi và gan.
Ông Sanjaya Senanayake, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại ANU và Bệnh viện Canberra cho biết trong một tuyên bố: “Đây là trường hợp nhiễm Ophidascaris đầu tiên ở người được phát hiện trên thế giới. Theo kiến thức của chúng tôi, đây cũng là trường hợp đầu tiên giun ký sinh trong não của động vật có vú, dù là con người hay loài khác”.
Theo vị chuyên gia này, ấu trùng của giun đũa thường được phát hiện ở các động vật có vú nhỏ và các loài thú có túi bị trăn ăn thịt.
Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện mới này trên Tạp chí Emerging Infectious Diseases. Họ cho biết người phụ nữ 64 tuổi có thể đã nhiễm ký sinh trùng từ rau Warrigal, một loại rau bản địa sau khi hái ở gần nhà rồi nấu chín. Rau đó có thể đã nhiễm trứng giun từ chất thải của một con trăn.
Rau cỏ chính là môi trường sống của trăn. Giun đũa Ophidascaris robertsi thường ký sinh ở trăn thảm và sống trong thực quản và dạ dày của trăn. Các nhà nghiên cứu tại ANU mô tả giun đũa “có khả năng phục hồi cực kỳ tốt”, nó có thể phát triển mạnh trong nhiều môi trường khác nhau.
Bà Karina Kennedy, Giám đốc vi sinh lâm sàng của Bệnh viện Canberra, Phó giáo sư tại Trường Y khoa ANU, cho biết người phụ nữ ở bang New South Wales lần đầu phát hiện triệu chứng vào tháng 1/2021 và sức khoẻ trở nên tồi tệ hơn khoảng 3 tuần sau đó khiến bà phải nhập viện.
“Ban đầu, bệnh nhân bị đau bụng và tiêu chảy, sau đó là sốt, ho và khó thở. Nhìn lại, những triệu chứng này có thể là do ấu trùng giun đũa di chuyển từ ruột và vào các cơ quan khác, chẳng hạn gan và phổi. Chúng tôi đã phân tích các mẫu hô hấp và sinh thiết phổi, nhưng không có ký sinh trùng nào được xác định trong các mẫu này”, bà Karina nói.
Theo bàKarina, vào thời điểm đó, việc xác định những ấu trùng vô cùng nhỏ mà trước đây chưa từng được xác nhận có thể gây bệnh cho con người, giống như việc “mò kim đáy bể”.
Đến năm 2022, người phụ nữ này mắc chứng hay quên và trầm cảm. Các bác sĩ chỉ định bệnh nhân phải chụp cộng hưởng từ (MRI) và kết quả cho thấy có một tổn thương trong não.
Sau khi phân tích, các bác sĩ giải phẫu thần kinh của bệnh viện đã vô cùng sốc khi phát hiện giun sống trong não bệnh nhân. Sau đó, họ đã gửi mẫu giun cho các chuyên gia ký sinh trùng xác nhận.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Senanayake cho biết trường hợp hy hữu này cho thấy nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người ngày càng tăng.
“Có khoảng 30 ca nhiễm mới trên thế giới trong 30 năm qua. Trong số các bệnh nhiễm trùng mới nổi trên toàn cầu, khoảng 75% là bệnh lây truyền từ động vật sang người, nghĩa là đã có sự lây truyền từ động vật sang thế giới con người. Điều này bao gồm cả virus Corona”, ông Senanayake nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh ký sinh trùng Ophidascaris không lây truyền giữa người với người nên sẽ không gây ra đại dịch như SARS, COVID-19 hay Ebola. Tuy nhiên, trăn thảm và ký sinh trùng của nó đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, có khả năng những trường hợp khác sẽ được ghi nhận ở các quốc gia khác trong tương lai.
Hiện bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn và vẫn được các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và não bộ theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường.