Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây phát hiện cá mập đầu búa thực chất là một loài động vật ăn tạp, trong đó tảo biển chiếm tới 60% lượng thức ăn tiêu thụ hằng ngày và đóng một vai trò dinh dưỡng quan trọng không kém các loài động vật giáp xác và thân mềm.
Trong công trình khoa học đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, các nhà nghiên cứu kết luận cá mập đầu búa có khả năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ tảo biển, cho thấy loài động vật vốn được biết đến là chỉ ăn thịt này rõ ràng là loài ăn tạp. Đây là loài cá mập đầu tiên trên thế giới được phát hiện là loài ăn cả động vật và thực vật.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Đại học California và Đại học Quốc tế Florida (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 4 năm về "thói quen ăn uống" của cá mập đầu búa sau khi đọc các báo cáo cho thấy loài này ăn tảo biển.
Cụ thể, 5 con cá mập đầu búa được cho ăn một thực đơn trong 3 tuần gồm 90% tảo biển và 10% là mực ống, sau đó các nhà khoa học nghiên cứu lượng dinh dưỡng mà chúng hấp thu và bài tiết. Một loạt thí nghiệm cho thấy cá mập đầu búa đã tiêu hóa thành công tảo biển với các enzyme. Không phải tất cả động vật ăn tạp đều có thể tiêu hóa tốt các thức ăn thực vật, nhưng tất cả 5 con cá mập được cho ăn chế độ nhiều tảo biển đều đã tăng cân sau 3 tuần.
Theo các nhà khoa học, khả năng tiêu hóa chất xơ của cá mập đầu búa tốt ngang rùa biển xanh, loài vật vốn chuyển từ chế độ ăn tạp khi còn nhỏ sang chế độ ăn chay khi trưởng thành.
Các nhà khoa học bày tỏ hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ giúp bảo vệ các hệ sinh thái tảo biển vốn đang bị đe dọa do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Cá mập đầu búa sinh sống chủ yếu ở các vùng nước nông ở châu Mỹ, là nguồn cung cấp thức ăn phong phú của loài này như tôm, cua, ốc và các loài cá nhiều xương.