Theo tờ Guardian, các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài sinh vật mới này là Eumillipes persephone dựa theo tên Nữ thần Persephone của thế giới ngầm trong thần thoại Hy Lạp.
Con vật này có 1.306 chân và được phát hiện ở độ sâu 60 mét tại một mỏ khai thác thuộc vùng Eastern Goldfields của Tây Australia. Nó đã phá vỡ kỷ lục về số lượng 750 chiếc chân của loài Illacme plenipes, sinh sống tại California, Mỹ.
Tiến sĩ Bruno Buzatto, nhà sinh học tại Viện cố vấn môi trường Bennelongia, đã tìm thấy sinh vật nhiều chân này khi tiến hành đánh giá tác động môi trường dưới lòng đất. Ông miêu tả phát hiện này là cực kỳ may mắn.
“Những con vật này là độc nhất vô nhị. Ngay khi tôi nhìn thấy chiều dài của chúng, tôi biết chắc chúng hoàn toàn khác biệt”, ông Buzatto nói.
Eumillipes persephone có thân hình dài và mảnh như sợi chỉ, gồm 330 đoạn. Chân của chúng rất ngắn, đầu hình chóp. Tương tự các loài động vật khác sống trong bóng tối, nó bị mù và màu sắc nhợt nhạt.
Tiến sĩ Juanita Rodriguez, nhà đồng nghiên cứu kiêm chuyên gia về côn trùng, nhận định sinh vật mới này dường như đã tiến hóa chiều dài cơ thể để dễ dàng hoạt động trong lòng đất. Với hơn 330 đoạn thân, Eumillipes persephone có nhiều lực để chuyển động tại những vùng đất cứng.
Để so sánh, loài nhiều chân Portuguese millipede – một sinh vật ngoại lai phổ biến tại Australia thường xuất hiện sau mưa lớn – chỉ có 25 đoạn thân. Năm 2013, Portuguese millipede được cho là nguyên nhân gây ra một vụ va chạm tàu hỏa tại Perth.
Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 8 con Eumillipes millipedes tại ba lỗ khoan ở độ sâu từ 15 – 60 mét. Bà Rodriguez rất bất ngờ khi phát hiện sinh vật này ở độ sâu như vậy. Trong khi một số loài nhiều chân sống trong hang, nhiều loài khác lại sống trên bề mặt và phân hủy chất hữu cơ như xác lá.
Loài nhiều chân khác với loài rết ở chỗ chúng có hai cặp chân trên hầu hết các đoạn cơ thể, trong khi rết chỉ có một. Nghiên cứu về loài nhiều chân mới đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.