Trong những năm gần đây, Philips đã rút gọn hoạt động kinh doanh, với động thái mới nhất là bán bớt cổ phần trong mảng thiết bị chiếu sáng để tập trung hơn vào công nghệ chiếu sáng tiên tiến và thiết bị y tế, thường mang tới nhiều lợi nhuận nhưng ít bị cạnh tranh từ các thị trường mới nổi.
Philips đang tập trung nhiều vào phát triển giải pháp chiếu sáng tiết kiệm điện. |
Không ngừng đổi mới và sáng tạo Philips đã trở thành một thương hiệu thân thiết đối với các hộ gia đình và là một trong những doanh nghiệp điện tử hàng đầu thế giới với khoảng 122.000 lao động trên hơn 100 quốc gia. Đặt trụ sở tại Amsterdam, Philips có ba mảng kinh doanh chính là hàng tiêu dùng và phong cách (Philips Consumer Lifestyle), thiết bị y tế (Philips Healthcare) và chiếu sáng (Philips Lighting).
Lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng ánh sáng và sự phát triển đầy hứa hẹn của ngành điện, Philips đã thành lập một phòng thí nghiệm mang tên NatLab vào năm 1914, nhằm mục tiêu nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Năm 1918, công ty giới thiệu chiếc đèn phát tia X, đánh dấu thời điểm Philips bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm và áp dụng biện pháp bảo hộ bằng sáng chế trong nhiều lĩnh vực trải dài từ đèn phát tia X, máy cạo râu Philishave, đến máy thu thanh và thu hình.
Một chuỗi các đột phá công nghệ đã giúp Philips khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, với nhiều nghiên cứu đặt nền tảng cho việc phát triển chất liệu bán dẫn và mạch tích hợp sau này và phát triển loại đèn tiết kiệm điện mới. Doanh nghiệp điện tử Hà Lan này cũng có những bước ngoặt quan trọng khi phát minh ra băng cassette vào năm 1963, chế tạo máy ghi hình video cassette trong năm 1972 và ra mắt đĩa CD và DVD, hợp tác cùng Sony (Nhật Bản) lần lượt vào năm 1983 và 1997.
Tập trung vào lĩnh vực cốt lõi Dù là một nhà tiên phong về phát minh và sáng chế, dường như Philips không thành công lắm trong việc điều hành hoạt động kinh doanh những sản phẩm do mình góp phần tạo ra. Sự phát triển của mạng Internet và các loại hình giải trí trực tuyến đã khiến vai trò của những thiết bị lưu trữ thông tin dần phai nhạt, trong khi mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Philips vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ từ Mỹ và châu Á.
Trong động thái mới nhất, Philips thông báo tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 25% cổ phần của Philips Lighting, công ty sản xuất thiết bị chiếu sáng hàng đầu thế giới, trên sàn giao dịch chứng khoán Euronext Amsterdam vào cuối tháng 5/2016. Giới quan sát ước tính giá trị vốn hóa của Philips Lighting có thể đạt khoảng 5,8 tỷ USD. Giám đốc điều hành (CEO) Frans van Houten cho biết quyết định “mang tính lịch sử” trên sẽ giúp Philips dồn lực vào hoạt động sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe, hiện chiếm 2/3 doanh thu của họ.
Trong nhiều năm qua, ông Frans van Houten đã tiến hành đơn giản hóa cấu trúc của Philips bằng những bước đi dần rời xa mảng hàng điện tử tiêu dùng kém hiệu quả, từng là dấu ấn của Philips, với việc thu hẹp hoạt động sản xuất TV và điện thoại di động mới. Philips tập trung nghiên cứu công nghệ y tế, phát triển giải pháp chiếu sáng tiết kiệm điện và chỉ giữ lại một số sản phẩm gia dụng như máy cạo râu, bàn chải điện và máy pha cà phê...
Lợi nhuận ròng của Philips trong năm 2015 tăng 55% lên 645 triệu euro (700 triệu USD) so với năm trước đó, chủ yếu nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm của họ tăng cao ở Bắc Mỹ và châu Âu. Đánh giá về triển vọng của Philips trong năm 2016, CEO Frans van Houten cho biết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này sẽ bắt đầu cải thiện vào nửa cuối năm, do những “cơn gió ngược” liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và những tác động của tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp.