Phụ nữ “lên ngôi” tại các tập đoàn quốc phòng Mỹ

Trong bối cảnh nữ giới vẫn gặp nhiều khó khăn để có chỗ đứng ở nơi làm việc thì trong lĩnh vực chế tạo thiết bị quốc phòng - người đứng đầu những công ty lớn mạnh nhất nước Mỹ lại là phụ nữ.


General Dynamics, BAE Systems và Lockheed Martin là ba tập đoàn sản xuất vũ khí quốc phòng hàng đầu tại Mỹ, đã đi ngược lại xu hướng chọn nam giới làm lãnh đạo như nhiều năm trước đây và bổ nhiệm ba người phụ nữ vào vị trí quản lí cao nhất.

Chủ tịch Lockheed Martin - Maryllin Hewson (ảnh to), Giám đốc Tập đoàn BEA tại Mỹ - Linda Hudson (ảnh nhỏ, trên), và Giám đốc General Dynamics - Phebe Novakovic. Ảnh: Washingtonpost


Từng làm trợ lí quản lí ngân sách và phương hướng hoạt động cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ 1997-2001, bà Phebe Novakovic đã chuyển đến Tập đoàn General Dynamics (GD), nhà cung cấp thiết bị, vũ khí lớn thứ 3 nước Mỹ để làm việc. Tại đây, bà đã không ngừng thăng tiến, nắm giữ những vị trí quan trọng như phó giám đốc kế hoạch và phát triển, giám đốc bộ phận thủy chiến và đến nay là chủ tịch của tập đoàn hùng mạnh này.


Ngay sau 2 tháng đầu nắm giữ cương vị “người chèo lái con tàu GD”, bà Novakovic đã tuyên bố thẳng thừng chính sách hoạt động của GD đã “lạc lối” khiến các hợp đồng bị ngưng đọng trong suốt một năm. Đồng thời Novakovic cũng chọn lựa cho mình một đội ngũ nhân sự mới, có đủ năng lực để cùng bà điều hành công ty.
“Chúng ta không chạy theo lợi nhuận vì vậy cần bám lấy từng đường đi nước bước mà chúng ta đã nắm rõ. Cần tinh giản bộ máy nhân sự, điều chỉnh chi phí và thể hiện tốt trước khách hàng, cổ đông” - đó chính là phương châm làm việc rạch ròi mà vị nữ chủ tịch GD muốn nhân viên tuân thủ.


Cũng là một phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực quân sự, Chủ tịch chi nhánh Mỹ của Hãng chế tạo quốc phòng BEA System, Linda Hudson lên tiếng: “Tôi cho rằng luôn có một cơ hội dành cho tất cả phụ nữ để gây dựng dấu ấn cá nhân tại bất cứ ngành nghề nào”. Trước BEA, bà Hudson đã làm việc cho nhiều “đại gia” khác, ví dụ như Tập đoàn Truyền thông quân sự Harris. Đến năm 2009, bà chính thức làm Chủ tịch BEA và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong ngành đảm nhiệm cương vị cao như vậy.


Tương tự 2 nữ lãnh đạo trên, Marillyn Hewson, Chủ tịch Tập đoàn Lockheed, đã có 30 năm cống hiến trong lĩnh vực quân sự. Cuối năm 2012, đa số cổ đông đã tán thành bà Hewson lên nắm quyền quản lí, thay thế cho vị chủ tịch tiền nhiệm có nhiều bê bối. Trong tháng đầu tại cương vị mới, Hewson đã cơ cấu lại bộ máy công ty và giảm số nhân viên xuống còn 50 người.


Tuy nhiên, trước tình hình ngân sách liên bang Mỹ bị cắt giảm 85 tỉ USD từ ngày 1/3 vừa qua, gây ảnh hưởng rõ rệt đến nguồn cung của các hợp đồng quân sự, thì những thách thức đặt lên vai ba nữ lãnh đạo này ngày một lớn. Các ông trùm đầu tư sẽ luôn theo dõi chặt chẽ hiệu quả hoạt động của những tập đoàn này cũng như đánh giá kĩ lưỡng năng lực của một làn sóng các nữ lãnh đạo mới. “Cho dù là nam hay nữ, các nhà quản lí trong ngành này nên thể hiện xứng đáng với những gì họ được trông đợi”, nhà tư vấn cho cả 3 tập đoàn thiết bị quân sự trên, Loren Thompson giải thích.


Trong một khảo sát vừa được công bố trên tờ Washington Post, cơ quan thống kê dữ liệu Equilar đã điều tra 20 nhà thầu chính của chính phủ Mỹ và rút ra tỉ lệ cứ mỗi 8 lãnh đạo các cấp bất kì thuộc các cơ quan trên thì có 1 người là phụ nữ. Ông Aaron Boyd, Giám đốc nghiên cứu tại Equilar, nhận xét: “Lĩnh vực quân sự vẫn còn vắng bóng những nữ giám đốc. Nhưng xu thế đã thay đổi, phái nữ đang dần lên ngôi”.


Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trong các tổ chức kinh tế nói chung, tỉ lệ nữ lãnh đạo còn lên tới 40%. Nếu các nhà quản lí nam đem về 1 USD lợi nhuận thì không kém cạnh, các nữ quản lí cũng có thể thu về 71 xu cho công ty của mình. Đây là một con số đáng mừng bởi so với nam giới, tỉ lệ nữ lãnh đạo vẫn còn chênh lệch rất nhiều.

Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN