Sống trong xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, phụ nữ Trung Quốc thời hiện đại phải đối diện với một bức tường bất công mà tình trạng phân biệt giới tính dựng lên. Bức “vạn lý trường thành” này đã bủa vây họ từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, đặc biệt là khi xin việc làm.
Ưu tiên ứng viên nam giới
Trở về thủ đô Bắc Kinh sau khi học ở Mỹ xong, cô Zhou Yuxia 24 tuổi chật vật kiếm việc làm. Không phải vì cô không có tài hay chưa đủ bằng cấp, kỹ năng xin việc. Trái lại, cô hội đủ mọi tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng, chỉ trừ một điều: Cô không phải là nam giới.
Tìm việc làm không dễ nếu bạn là phụ nữ và bạn sống ở Trung Quốc. |
Kể lại nỗi thất vọng với phóng viên, cô Zhou nói: “Tôi vào một trang mạng tìm việc làm và thấy vị trí giám đốc tiếp thị rất lý tưởng. Nhưng một trong những yêu cầu của họ là ứng viên phải là đàn ông”. Cô cho biết, cô vẫn sẽ thử gửi hồ sơ kèm theo một đoạn video giới thiệu vì nghĩ mình đủ năng lực cho dù là nữ.
Trường hợp của cô Zhou xảy ra không lâu sau một vụ phân biệt giới tính “đình đám” ở Trung Quốc. Cô sinh viên Cao Ju mới tốt nghiệp đã kiện Học viện Juren, một công ty gia sư tư nhân ở Bắc Kinh, vì từ chối tuyển dụng cô với lý do cô là nữ. Công ty này đã phải tốn gần 5.000 USD để dàn xếp. Đây được coi là vụ kiện phân biệt giới tính đầu tiên ở Trung Quốc, một vụ mà ông Geoff Crothall, nhân viên một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi công nhân ở Trung Quốc, đánh giá là “đột phá quan trọng”. Đột phá là bởi vì không dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó, để các tòa án ở Trung Quốc nhận xử một vụ phân biệt giới tính. Ông hi vọng ngày càng có nhiều phụ nữ chủ động phản đối tình trạng phân biệt như Cao Ju.
Cao Ju và bạn bè phản đối sự phân biệt giới tính trước Học viện Juren. |
Sở dĩ nhiều nhà tuyển dụng Trung Quốc công khai đưa giới tính vào yêu cầu với ứng viên vì nhu cầu đối với một vị trí việc làm ở một nước đông dân như Trung Quốc là vô cùng lớn. Vì thế, để bớt thời gian sơ tuyển, họ đã đặt ra những điều kiện phân biệt và ngặt nghèo.
Các công việc trong nhà máy hay trong ngành kỹ thuật là hai nghề điển hình thường chỉ chọn ứng viên nam vì các vị trí này đòi hỏi nhân viên phải di chuyển nhiều hoặc làm việc ở nước ngoài. Điều này bắt nguồn từ quan niệm chung ở Trung Quốc là coi việc đi ra nước ngoài không an toàn với phụ nữ.
Không chỉ phải cạnh tranh với nam giới, phụ nữ Trung Quốc còn phải đối mặt với rào cản bất công khác: Các công ty có xu hướng tuyển dụng nữ nhân viên có hình thức ưa nhìn. |
Hơn nữa, khi ngày càng có tuổi thì phụ nữ có xu hướng thích cố định một chỗ, còn nam giới vẫn ưu tiên sự nghiệp. Đây cũng là một cái cớ để các nhà tuyển dụng thẳng tay gạt ứng viên nữ, dù họ tài giỏi hơn. Như trường hợp của Wang Xiao 28 tuổi là một ví dụ. Cô đang là trợ giảng tại một công ty gia sư có tiếng ở Bắc Kinh. Khi người quản lý của cô nghỉ việc, ông đã đề cử Wang vào vị trí thay mình với giám đốc. Tuy nhiên, ông giám đốc lại muốn nam giới đảm nhiệm vị trí này và Wang chấp nhận mất cơ hội thăng chức vào tay một người ít kinh nghiệm hơn. Cô thừa nhận rằng mọi vị trí cao trong công ty thường do nam giới đảm nhiệm.
Ba ví dụ trên chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ phân biệt giới tính ở Trung Quốc. Theo thống kê, hơn 72% phụ nữ Trung Quốc có cảm giác mình không được tuyển dụng và thăng chức vì giới tính. Hơn 75% cho rằng họ bị sa thải vì đã kết hôn và vướng chuyện con cái. Trong khi đó, phụ nữ ở thành thị có thu nhập chưa bằng ¾ so với nam giới trong năm 2010.
Phân biệt “giấu mặt”
Không chỉ vật lộn tranh đấu giành quyền lợi với nam giới, phụ nữ còn phải cạnh tranh với nhau trong tìm việc làm. Các ứng viên thường được yêu cầu dán ảnh vào hồ sơ xin việc. Có rất nhiều quảng cáo tuyển dụng của cơ quan nhà nước yêu cầu ứng viên nữ phải đạt được một tiêu chuẩn nhất định về hình thức thì mới có cơ hội lọt qua “vòng gửi xe”.
Nhà nhân loại học Wen Hua, tác giả cuốn sách “Mua sắc đẹp: Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc”, phân tích: “Các nhà tuyển dụng đang tìm cách thu hút những người cao nhất, xinh đẹp nhất vì điều này khiến bộ mặt các ban ngành chính phủ trông đẹp đẽ. Quan niệm cho rằng càng xinh thì vị trí việc làm càng tốt đã đẩy ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc chi nhiều tiền bạc cho phẫu thuật thẩm mỹ”.
Mặc dù tình trạng quảng cáo tuyển dụng yêu cầu về hình thức đã ít hơn so với thời gian năm 2006 - 2007 khi bà Wen Hua điều tra để viết sách, nhưng tác giả vẫn thực sự thấy lo lắng. Bà cho biết: Tình trạng phân biệt giới tính trong tuyển dụng vẫn phổ biến ở công sở Trung Quốc theo kiểu “giấu mặt”. Sự phân biệt này đã chuyển từ công khai thành ẩn mình. Tuy nhiên, chính sự ẩn mình này mới đáng lo ngại vì phụ nữ khó mà tránh hay kiến nghị trong trường hợp định kiến và phân biệt giới tính không thể hiện công khai.
Phân biệt giới tính trong nghề nghiệp đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của nhiều cô gái trẻ. Nhiều người từ thời đi học đã muốn làm những nghề liên quan đến khoa học, kỹ thuật nhưng đành từ bỏ ước mơ sau khi được người thân cảnh báo rằng phụ nữ làm nghề này dễ bị “ế chồng”. Đối với phụ nữ, hôn nhân vẫn xếp sau sự nghiệp. Ước mơ nghề nghiệp của họ chỉ cháy bỏng trong thời học sinh, sinh viên và nhanh chóng bị định kiến xã hội dập tắt bằng áp lực kiếm được một tấm chồng tốt.
Xã hội Trung Quốc giờ cũng ưu ái và quan tâm hơn tới phụ nữ - những người nắm giữ một nửa bầu trời. Chỉ có điều, cách phụ nữ được tôn vinh vẫn không thoát khỏi định kiến về giới. Điều này được thể hiện rõ vào các dịp như Ngày Quốc tế Phụ nữ. Quà cho phụ nữ vẫn là những thứ đậm đặc sự phân biệt giới tính: Thẻ làm đẹp, đồ dùng bếp núc, mỹ phẩm, hoa... như để “nhắc nhở” họ là phụ nữ. Để rồi, sau ngày được tôn vinh trong xã hội, họ lại chấp nhận một điều rằng khi nói đến công việc, giữa họ và đồng nghiệp nam là cả một hố sâu ngăn cách.
Thùy Dương